Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động
- Bài thuốc hay
- 16:51 - 22/09/2021
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thực trạng thiếu hụt lao động diễn ra trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp. Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các dự án dệt may, điện tử.... Vì vậy, các KCN đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án trong KCN trong thời gian tới sẽ tăng cao (dự kiến đến năm 2025 số lao động tăng thêm khoảng 28.700 lao động) do các dự án lớn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư, chuẩn bị vào hoạt động, một số doanh nghiệp tiếp tục tăng quy mô, công suất thiết kế. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025: Quý IV/2021, 05 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.228 lao động (trong đó 2.970 lao động phổ thông, 258 lao động có trình độ); Năm 2022 là 13.489 lao động; từ năm 2023-2025 là 11.695 lao động.
Ông Trần Quang Hưng, Tổng Giám đốc công ty CP Xi măng Cẩm Phả cho biết, do dịch COVID-19, thị trường xây dựng trầm lắng, doanh thu bán hàng của công ty giảm sút, phát sinh nhiều chi phí phòng chống dịch. Trước khó khăn đó, công ty đã được ngành Thuế gia hạn thuế giá trị gia tăng 5 tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng, tiền thuê đất 6 tháng với tổng số khoảng 60 tỷ đồng. Hiện nay các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam chiếm tới 60% doanh thu bán hàng của công ty. Điều này tác động tiêu cực đến doanh thu, dòng tiền và kinh doanh. Để góp phần ổn định sản xuất, giảm áp lực cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thời gian nộp thuế kéo dài sang năm 2022. Còn ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc công ty Hải Nam cho biết: Doanh nghiệp là nền tảng quan trọng của sự phát triển, tuy nhiên lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đang cần thêm sự tiếp sức, đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn để có thể vượt qua "bão COVID-19". Vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho lao động. Đây cũng là một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp tại thời điểm khó khăn này.
Một trong những giải pháp trọng tâm để tiếp sức cho doanh nghiệp là cam kết với doanh nghiệp, điều này đã được ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh cam kết sẽ giải quyết nhanh chóng thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân triển khai dự án; tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy, kích cầu dịch vụ, du lịch; triển khai phương án đón khách du lịch đã tiêm phòng COVID-19 khi đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh an toàn.
Để phục hồi và phát triển thị trường lao động, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã đề xuất một số giải pháp, cụ thể như: Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống ý tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, xây dựng các kế hoạch đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, vừa an toàn sản xuất và đảm bảo tuyệt đối sức khỏe của người lao động.
Nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động, tình hình sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và tình hình thiếu hụt lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để tiếp tục phối hợp thông tin, tuyên truyền, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị; đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề trung và dài hạn để đáp ứng nguồn lao động chất lượng, cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp, đảm bảo sát nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu thực tế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Thực hiện thông tin tuyên truyền kịp thời các chính sách thu hút lao động, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; thông tin các nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng, thu hút, phát triển nguồn lao động lâu dài.
Thúc đẩy liên kết vùng trong công tác thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến UBND các xã, phường, các tỉnh thành lân cận để thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người lao động biết, tham gia tuyển dụng, tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng khai thác toàn diện thị trường nội địa và quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng giai đoạn, từng thời kỳ, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Tiếp tục phát triển, mở rộng địa bàn khai thác du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai các dự án, sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng có và lợi thế khác biệt của các địa phương trong tỉnh trên cơ sở mở rộng không gian phát triển du lịch; nghiên cứu và triển khai sản phẩm du lịch về đêm như khai thác lợi thế ven Vịnh, khu vực Tuần Châu, Bãi Cháy, Hùng Thắng...
Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; ưu tiên hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các khu công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ngành có lợi thế nhằm tạo ra việc làm, góp phần thu hút dân cư đến Quảng Ninh sinh sống, làm việc, nhất là nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương ngoài tỉnh. Triển khai xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là thu hút dân số cơ học thông qua các dự án sản xuất (thu hút lao động chất lượng cao), phát triển thể lực, trí lực, giảm tỷ suất tử vong, cân bằng giới tính khi sinh và tăng tuổi thọ của người dân... Chú trọng việc bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ngành Than và các khu, cụm công nghiệp.
Đặc biệt đẩy mạnh hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, kết nối với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để chủ động trong công tác tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ; chú trọng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với môi trường việc làm; thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội và phát triển các công trình văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa tinh thần công nhân ở các KCN, KKT và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; bản thân các doanh nghiệp cũng cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài...
PV
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ