THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:58

Quảng Ninh: Nâng cao năng lực, nhận thức, hành vi về bình đẳng giới

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN và người dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tế của từng địa phương và đảm bảo quy định phòng chống dịch. Các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, pháp luật về giới và BĐG cho đội ngũ lãnh đạo, công chức viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cụ thể: Tổ chức 9 lớp tập huấn cho 347 cán bộ các ngành về cung cấp dịch vụ hỗ trợ về hành pháp, tư pháp, y tế cho người bị bạo lực trên cơ sở giới; 5 hội nghị tập huấn nội dung về BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh cũng được đẩy mạnh, các cơ sở giáo dục đã tư vấn trợ giúp cho học sinh, sinh viên khi cần hỗ trợ; 4 Hội nghị trợ giúp pháp lý tại 4 huyện, thị xã, thành phố (Móng Cái, Quảng Yên, Tiên Yên, Cô Tô); Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã trợ giúp 82 vụ việc/82 người, tham gia tố tụng để bào chữa cho 6 vụ việc/6 đối tượng là trẻ em, 40 vụ việc/40 đối tượng là phụ nữ trong các vụ án dân sự, hình sự.

Ra mắt mô hình phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quảng Lâm

Ra mắt mô hình phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quảng Lâm

Toàn tỉnh đã tổ chức 1.098 cuộc tuyên truyền, giáo dục cho 39.000 lượt nữ công nhân viên chức lao động tham gia; 8 hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật lưu động cho trên 750 công nhân lao động tại các địa phương; tuyên truyền, tư vấn chính sách đối với lao động nữ và BĐG năm 2021 cho 130 nữ cán bộ công đoàn; 2 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa “hỗ trợ hoạt động BĐG vùng dân tộc thiểu số năm 2021” tại xã Húc Động (huyện Bình Liêu) và xã Bắc Sơn (TP. Móng Cái), mỗi buổi thu hút gần 650 lượt người xem. Đặc biệt, Sở VH&TT đã đưa tiêu chí BĐG, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hóa, lồng ghép các kiến thức về giới và BĐG vào các nội dung hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hóa, các buổi sinh hoạt định kỳ nhằm đạt mục tiêu gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Phụ nữ Quảng Ninh cũng tích cực hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân... qua đó nâng cao hiểu biết và khuyến khích người phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội.

Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai 11 mô hình thí điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; các mô hình đã thành lập Ban chỉ đạo, thành lập 3 CLB/mô hình với 30 thành viên/CLB bộ. Các cán bộ Ban chỉ đạo mô hình và Ban Chủ nhiệm các CLB thuộc mô hình đều được tập huấn về Luật BĐG, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các kỹ năng xác định vấn đề, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình, dịch vụ thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các địa phương... Thông qua sinh hoạt mô hình, nhận thức của các thành viên thay đổi rõ rệt, phụ nữ được cải thiện về nhiều mặt và được nâng cao vai trò, nam giới có sự ủng hộ và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Bên cạnh đó, việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn, các thành viên có nhiều cơ hội trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng.

Ngôi nhà Ánh Dương trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh - Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng…

Có thể nói, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được tối đa mọi nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả công tác BĐG và VSTBCPN nhằm giúp rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ, đem đến cơ hội và vị thế mới cho người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

T.H

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh