CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:08

Quảng Ninh: Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí được duy trì hiệu quả

Theo Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, hiện Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch Duy trì mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí: Hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội cung cấp các dịch vụ sàng lọc, tư vấn, trị liệu cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí năm 2021. Phòng Tư vấn - Trợ giúp và Hành chính đã tích cực phối hợp với các phòng, ban khác trong Trung tâm và Phòng LĐ-TB&XH các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, UBND các xã, phường, thị trấn và các gia đình đối tượng để triển khai các hoạt động.

Năm 2021, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã và đang triển khai hoạt động sàng lọc, tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại cộng đồng trên địa bàn huyện Bình Liêu và Ba Chẽ. Tổ chức khám sàng lọc rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cho khoảng 20 trẻ có biểu hiện nghi ngờ bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ. Thực hiện tư vấn kết quả tại chỗ cho người giám hộ của trẻ, đồng thời xem xét và đánh giá nhu cầu được trị liệu của đối tượng. Mặt khác, Trung tâm cũng phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu và Ba Chẽ, bố trí địa điểm tập huấn phù hợp để tổ chức đào tạo, cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cho gia đình, người chăm sóc trẻ.

Nhân viên Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh tư vấn cho gia đình và đối tượng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng (ảnh chụp trước ngày 27/4/2011)

Nhân viên Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh tư vấn cho gia đình và đối tượng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng (ảnh chụp trước ngày 27/4/2011)

Các nhân viên công tác xã hội sẽ cùng với phụ huynh thống nhất kế hoạch can thiệp, trị liệu cho trẻ tại gia đình và cơ chế phối hợp giữa nhân viên công tác xã hội với người chăm sóc trong quá trình can thiệp, trị liệu cho trẻ và sau khi đã kết thúc trị liệu cho trẻ tại gia đình, cộng đồng.

Cụ thể, các hoạt động can thiệp, trị liệu trực tiếp cho trẻ tại gia đình sẽ được thực hiện trong 1 tuần. Sau mỗi ngày trẻ được trị liệu tâm lý, nhân viên sẽ tư vấn cho gia đình về các kỹ năng can thiệp và hướng dẫn chi tiết các bài luyện tập cho trẻ ở nhà để cải thiện vấn đề của trẻ. Kết thúc thời gian trị liệu, nhân viên công tác xã hội tiến hành đánh giá sự phát triển của trẻ và chuyển giao kỹ thuật cho người chăm sóc.

Đối với hoạt động sàng lọc, tư vấn, trị liệu tâm lý cho người trầm cảm, người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu và Ba Chẽ, UBND cấp xã/phường tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện và nguy cơ bị tâm thần, trầm cảm, rối nhiễu tâm trí để đưa vào diện sàng lọc, đánh giá.

Trung tâm cử cán bộ đã được đào tạo nghiệp vụ đến tiếp xúc trực tiếp với đối tượng người tâm thần, trầm cảm, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng và gia đình để tiến hành sàng lọc, đánh giá, tư vấn kết quả cho đối tượng và gia đình.

Dựa trên kết quả sàng lọc, đánh giá, nhân viên công tác xã hội tiến hành lập hồ sơ quản lý đối tượng. Hồ sơ này phải phản ánh được đầy đủ thông tin cá nhân của đối như thông tin về gia đình/người chăm sóc đối tượng, vấn đề đối tượng đang gặp phải để để thuận lợi trong việc liên hệ, phối hợp với đối tượng và gia đình tiến hành trị liệu. Việc quản lý hồ sơ của đối tượng đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin và lưu trữ một cách khoa học. Sau khi đã lập hồ sơ quản lý đối tượng, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh tiến hành tập huấn kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc sức khỏe người tâm thần, rối nhiễu tâm trí cho gia đình với sự tham gia của đối tượng.

Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh thống nhất với đối tượng và gia đình lập kế hoạch và tổ chức can thiệp, hỗ trợ cho người tâm thần, trầm cảm, rối nhiễu tâm trí tại gia đình, cộng đồng, thông qua các buổi trị liệu tâm lý của nhân viên công tác xã hội.

Tiến hành can thiệp, trị liệu tâm lý cho đối tượng bằng các hoạt động tư vấn, tham vấn, hướng đến việc thay đổi nhận thức để từng bước thay đổi hành vi của đối tượng. Khuyến khích đối tượng tham gia vào các hoạt động hàng ngày, tham gia vào các hoạt động tập thể để thay đổi môi trường sống, đây là yếu tố quan trọng nhằm giúp thay đổi nhận thức, suy nghĩ, hành vi của người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

Các nhân viên công tác xã hội của Trung tâm cũng hướng dẫn và khuyến khích đối tượng tự chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhân viên công tác xã hội thường xuyên có những biện pháp nâng đỡ cảm xúc cho đối tượng, hỗ trợ, tạo động lực cho đối tượng giúp đối tượng vượt qua những khó khăn trở ngại của bản thân. Phối hợp với gia đình trong việc cùng tham gia hỗ trợ trị liệu tâm lý cho đối tượng theo hướng cầm tay chỉ việc và dần dần chuyển giao kỹ thuật cho gia đình, người chăm sóc chính.

T.H

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh