THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:47

Quảng Ninh: Lồng ghép các chính sách để giảm nghèo bền vững

Để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo, từ đầu tư hạ tầng phục vụ bà con phát triển sản xuất, đến hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện vay vốn để hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2016 đến nay, hơn 460.800 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với số tiền khoảng 321 tỷ đồng...

Quảng Ninh: Lồng ghép các chính sách để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Giao thông nông thôn ở Quảng Ninh đã được đầu tư đồng bộ.

Đặc biệt là lồng ghép các chương trình 135, đề án 196, chương trình xây dựng nông thôn mới để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Giai đoạn 2016- 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình 135, Đề án 196 trên 1.770 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng. 

Qua đó, đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh. Đến nay, tất cả các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu, mua bán hàng hóa thuận lợi. Người dân ở các xã này đều được sử dụng điện lưới quốc gia, được khám, chữa bệnh tại các trạm y tế đạt chuẩn... Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, đáp ứng hơn 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác hằng năm của bà con...

Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn để có hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, phù hợp. Một trong những chính sách được Quảng Ninh ưu tiên chính là việc tạo điều kiện tối ưu để hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, như: Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó…

Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai đạt trên 3.000 tỷ đồng. Phần lớn các hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 16.700 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động; giúp gần 2.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập...

Triển khai chính sách 2085 (chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020 theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ), từ năm 2017 đến hết năm 2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 4.210 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn vay sản xuất kinh doanh, với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng.

Tỉnh còn tập trung triển khai Chương trình 167 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng nông thôn. Từ năm 2016 đến hết 2018, toàn tỉnh có gần 1.300 hộ nghèo vùng nông thôn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Thời gian qua, MTTQ các cấp, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực vào cuộc trong ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất...

Với sự lồng ghép các chính sách một cách đồng bộ, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ riêng, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đã giảm nhanh chóng. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 1,55% (theo chuẩn nghèo cũ), thì hiện còn 0,46% (theo tiêu chí mới). Thu nhập bình quân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015. Cuối năm 2019, Quảng Ninh không còn xã, thôn thuộc chương trình 135.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh