THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:02

Quảng Ninh hỗ trợ phụ nữ nghèo với nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hội viên phụ nữ các xã biên giới vươn lên phát triển kinh tế.

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Hỗ trợ sinh kế giúp nhiều hội viên phụ nữ các xã biên giới vươn lên phát triển kinh tế.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, được Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Quảng Ninh phối hợp triển khai từ năm 2018 đến nay. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất thực hiện chương trình theo phương thức tự lực, tự chủ nguồn lực. Hai xã Lục Hồn và Vô Ngại (huyện Bình Liêu) được lựa chọn triển khai chương trình.

Đây là 2 xã biên giới khó khăn, 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số. Trước đây, ở 2 xã còn tồn tại nhiều hủ tục, hầu hết gia đình đồng bào Dao không có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại gần nhà ở; người dân chủ yếu làm nông nghiệp với cách làm lạc hậu; phần lớn người dân đi làm thuê nơi khác; còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo cao (xã Vô Ngại 30%, Lục Hồn 24%) và còn nhiều hộ có nhà ở tường đất không an toàn...

Với việc triển khai sáng tạo, hiệu quả chương trình, sau 3 năm, 2 xã đã có đổi thay lớn về diện mạo, chuyển biến rõ rệt về nếp sống của người dân. Bằng nguồn vận động xã hội hóa, Hội Phụ nữ và BĐBP các cấp đã huy động được trên 1,7 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động của hội viên, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh và nhân dân địa phương.

Từ nguồn lực đó, đã hỗ trợ xây mới 14 nhà, sửa chữa 3 nhà với số tiền 430 triệu đồng; vận động 91 hộ tự nguyện đăng ký xây công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, kinh phí hỗ trợ trên 250 triệu đồng. Đến nay, tỷ lệ số hộ có nhà tiêu và nhà tắm hợp vệ sinh tại xã Vô Ngại là 77,6% (870/1.121 hộ); tại xã Lục Hồn là 70,5% (732/1.038 hộ). Tại 2 xã cũng triển khai khá hiệu quả 2 mô hình sinh kế (nuôi lợn và gà thương phẩm) cho 52 hộ, kinh phí hỗ trợ trên 447 triệu đồng. Phụ nữ và nhân dân ở 2 xã còn được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe; chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; quà tặng... Chương trình đã góp phần quan trọng đưa 2 xã thoát khỏi diện 135 và về đích chương trình xây dựng NTM.

Cùng với duy trì hỗ trợ 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại (huyện Bình Liêu), đến nay chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được mở rộng hỗ trợ 2 xã Quảng Đức và Quảng Long (huyện Hải Hà).

Hằng năm, các cấp hội phụ nữ tỉnh duy trì thực hiện chương trình xây “Mái ấm tình thương” với nhiều cách làm hiệu quả, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hội viên, phụ nữ và hộ gia đình về tài chính, nhân lực, khơi dậy ý thức tự vươn lên, tạo động lực quyết tâm chủ động xây nhà đảm bảo tiêu chí “3 cứng”. Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 260 “Mái ấm tình thương” cho hội viên, phụ nữ nghèo, kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình ý nghĩa nhằm đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" và "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ". Để thực hiện hiệu quả phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", các cấp hội xác định rõ hoàn cảnh, nguyện vọng, nguyên nhân nghèo của từng địa chỉ, từ đó có giải pháp giúp đỡ sát thực.

 

Giai đoạn 2016-2021, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ triển khai 493 mô hình kinh tế theo quy mô tổ, nhóm và hộ gia đình với trên 8.700 thành viên tham gia; giúp 915 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo. Các cấp hội tăng cường khai thác các nguồn vốn, giúp hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, như vốn vay từ Ngân hàng CSXH.

Đến nay, có 33.362 hộ hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, tổng dư nợ trên 1.590 tỷ đồng. Hội còn vận động hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp quỹ hội để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ sinh kế giúp hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội và các đồn biên phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ nữ dân tộc khu vực biên giới; duy trì, xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội cơ sở cũng như vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội cùng nhiều hoạt động khác…

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, trong khuôn khổ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN tỉnh và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh cho các xã biên giới được trên 6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động như: Hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng phòng học, hệ thống nước sạch, tặng máy móc sản xuất nông nghiệp... Chương trình còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính bền vững cao và có sức lan tỏa đến với nhân dân địa bàn biên giới như: “Xuân ấm áp, Tết vì người nghèo”, “Biên cương vui hội trăng rằm”, “Tết yêu thương”, “Tết ấm biên cương”...

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh