THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:22

Quảng Ninh: Đa dạng các hình thức giải quyết việc làm cho người lao động

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ, cơ hội có việc làm cũng trở nên khó khăn hơn. Theo kết quả rà soát của các địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.344 doanh nghiệp với hơn 8.200 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung ở TP Hạ Long và TP Móng Cái; trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ ảnh hưởng nhiều nhất với 859 doanh nghiệp, 6.535 lao động. Ngoài ra còn hàng nghìn lao động tự do cũng chịu tác động bởi đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2021 của tỉnh khoảng 2,86%.

Trước tình hình đó, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp linh hoạt giúp ổn định việc làm cho người dân, cũng như tạo thêm việc làm mới cho nhiều lao động khác.

Là địa bàn trọng điểm phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian qua, TP Hạ Long luôn quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Thành phố đã tập trung rà soát nhu cầu tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp, kết nối người lao động với doanh nghiệp; phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm.

Còn với Ba Chẽ, huyện đã tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức tư vấn nghề cho học sinh khối THPT trên địa bàn, khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất, trong đó có các mô hình sản xuất tập trung, vừa để tạo việc làm cho lao động trong gia đình, vừa tạo việc làm cho người dân ở thôn, xóm...

Cùng với TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ, các địa phương khác cũng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ việc làm cho người lao động. Trước hết, tỉnh và các địa phương luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, vừa ổn định việc làm cho người lao động. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh. Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực rà soát nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối thông tin, giúp người lao động tiếp cận cơ hội có việc làm.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động

Mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động

Các địa phương, nhất là địa phương còn tỷ lệ lớn người dân làm nông - lâm - ngư nghiệp cũng tích cực vận động bà con đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 trang trại chăn nuôi, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Nuôi nhuyễn thể (khoảng 4.400ha), nuôi trồng thủy sản nước ngọt (khoảng 2.450ha), nuôi cá song (550ha)... Vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung như vùng cây ăn quả (2.429ha), vùng trồng hoa, trồng lúa chất lượng cao, trồng dong riềng, trồng chè... Qua đó, tiếp tục tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đơn vị vẫn duy trì các hoạt động định kỳ hằng tháng của 4 sàn giao dịch việc làm tại Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 6 phiên/tháng; tập trung thực hiện các hoạt động về giao dịch việc làm, tăng cường công tác tuyên truyền và tư vấn chuyên sâu cho người lao động, người sử dụng lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN tuyển dụng lao động trên fanpage. 

Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng huy động các nguồn vốn tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Từ năm 2012 đến tháng 3/2022, nguồn vốn thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 1.490,081 tỷ đồng; qua đó, dư nợ đến hết tháng 3/2022 là 1.407,448 tỷ đồng với 28.184 dự án vay vốn.

Thị trường lao động ở nước ngoài cũng được tỉnh tích cực khai thác để hỗ trợ việc làm cho người lao động. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh đưa khoảng 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Đặc biệt, Quảng Ninh chú trọng nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên trên 45% nhằm giúp người lao động chủ động tìm được công việc phù hợp sở thích, năng lực, từ đó có công việc bền vững, gắn bó lâu dài. Để thực hiện điều đó, tỉnh đã bố trí ngân sách phát triển hệ thống các sàn giao dịch định kỳ tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái; nâng cao hiệu quả kết nối cung- cầu lao động trên thị trường lao động thông qua phát triển các hình thức thông tin thị trường lao động, như điều tra nắm cung, cầu lao động, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm.

Qua nỗ lực của các ngành, địa phương, từ năm 2016 đến 2021, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 28,8 nghìn lao động, trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho 18,5 nghìn lao động. 4 tháng năm 2022, toàn tỉnh cũng đã giới thiệu việc làm cho 293 lượt lao động. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29,5 nghìn lao động, trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho từ 13.000- 15.000 lao động/năm.

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh