Quảng Ngãi: Phấn đấu thực hiện tốt chương trình việc làm 2016-2020
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:00 - 01/01/1970
* Xin ông cho biết thực trạng việc làm, giải quyết việc làm và cơ cấu lao động của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua?
- Đến năm 2015, dân số của tỉnh khoảng 1.246.165 người, số người trong độ tuổi lao động khoảng 779.000 người, chiếm 62,51% dân số, dân số tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên khoảng 769.000 người, chiếm 61,71% dân số, trong đó phân bố ở khu vực thành thị là: 112.782 người, chiếm 14,67%; khu vực nông thôn là 656.218 người, chiếm 85,33%. Hàng năm, số người bước vào độ tuổi lao động bình quân khoảng 15.000 người. Trung bình mỗi năm có từ 38.000 - 40.000 người thất nghiệp, thiếu việc làm.
Ông Lương Kim Sơn.
Giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 182.400 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 36.480 lao động, đạt 96% so với chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII (36.480/38.000 lao động/năm). Trong đó giải quyết việc làm mới cho khoảng 97.600 lao động, bình quân 19.520 lao động/năm, đạt 97,6% so với chỉ tiêu kế hoạch (19.520/20.000 lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 5,1% năm 2011 xuống còn khoảng 3,8% năm 2015 (đạt 100% chỉ tiêu). Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 82% năm 2011 tăng lên 86% năm 2015 (đạt 100% chỉ tiêu). Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Đến cuối năm 2015, tỷ trọng cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 28%; thương mại - dịch vụ là 25%; giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp còn 47%. Nhìn chung, 3 chỉ tiêu này đều đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 31% năm 2011 tăng lên 45% năm 2015 (đạt 100% chỉ tiêu). Hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm: Trong 5 năm, đã xét duyệt cho vay 7.500 dự án với số vốn giải ngân gần 139.664 triệu đồng; giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho 26.200 lao động.
* Xuất khẩu lao động luôn được xem là một kênh giải quyết việc làm, vậy thực trạng công tác này ở tỉnh như thế nào thưa ông?
- Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 8.041 người đi xuất khẩu lao động (trong đó: theo Đề án xuất khẩu lao động huyện nghèo là 776 người). Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Ban hành nhiều văn bản quy định về hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng và cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng khám sức khỏe...
Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã cập nhật thông tin cung lao động cho 307.408 hộ gia đình; thông tin cầu lao động tại 1.809 doanh nghiệp để cung cấp thông tin giúp Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, UBND các huyện, thành phố có sự định hướng, hoạch định các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho nhân dân.
* Từ khi triển khai sàn giao dịch việc làm và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay, Quảng Ngãi tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả gì nổi bật, thưa ông?
- Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động sàn giao dịch việc làm diễn ra với tần suất 2 phiên/ tháng và trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tư vấn, giới thiệu việc làm và hoạt động thông tin thị trường lao động kịp thời và hiệu quả. Kết quả 5 năm đã giải quyết cho hơn 11.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 85 tỷ đồng; tổ chức được 117 phiên giao dịch việc làm, với hơn 180.000 lượt người đăng ký tìm việc làm và đã giới thiệu việc làm cho hơn 60.000 người. Số người tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm 5 năm qua (2011 - 2015) chiếm tỷ lệ 33,3%.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Chương trình 30a đã tập trung đầu tư nguồn lực cho các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Trong 5 năm, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được 121.920 học sinh - sinh viên; trong đó: cao đẳng nghề: 13.565 người, trung cấp nghề: 27.897 người, đạt 75,26% so với kế hoạch; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 80.458 người, đạt 100% kế hoạch. Hơn 70% có việc làm và tự tạo việc làm sau học nghề (bình quân mỗi năm có 17.068 người).
* Theo ông trong quá trình triển khai đã nảy sinh những tồn tại, vướng mắc gì và cần giải pháp nào để tháo gỡ những bất cập của chương trình này?
- Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, đã phấn đấu và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình việc làm giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm vẫn gia tăng, công việc và thu nhập của người lao động thiếu sự ổn định, số người ra ngoài tỉnh tìm việc làm còn cao.
Hàng năm, người lao động, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở các trường chuyên nghiệp và trường nghề có nhu cầu về việc làm rất lớn, nhưng thực trạng, khả năng giải quyết việc làm tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ chậm phát triển, nên chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc; phần lớn người lao động còn thụ động trong tìm kiếm việc làm, một số ít lao động còn có tư tưởng xem tạo việc làm chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Nhiều lao động chưa định hướng nghề nghiệp tương lai trước khi theo học các ngành nghề để gắn liền với cơ hội tìm kiếm việc làm.
Một số địa phương trong tỉnh chưa chủ động phát huy nguồn nội lực hiện có, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm, chỉ đạo điều hành thống nhất, tập trung, quyết liệt; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình. Nền kinh tế của tỉnh trong những năm qua tăng trưởng với nhịp độ khá cao nhưng chưa có sự cân đối trong thu - chi ngân sách. Việc trích lập Quỹ giải quyết việc làm của địa phương hạn chế nên kết quả giải quyết việc làm vẫn chưa tương thích với tốc độ phát triển kinh tế.
* Nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp trong những năm tới để chương trình giải quyết việc làm đạt hiệu quả là gì, thưa ông?
- Giai đoạn 2016 - 2020, dự báo mỗi năm toàn tỉnh sẽ có từ 15.000 - 17.000 người bước vào độ tuổi lao động. Mỗi năm trung bình có khoảng 40.000- 42.000 người tìm việc làm.
Vì vậy, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần xây dựng, tạo lập môi trường phát triển thị trường lao động. Tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm, có giải pháp để giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa có việc làm, đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hướng nguồn lực của nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng lao động và người lao động để doanh nghiệp chủ động đào tạo gắn với sử dụng lao động. Khuyến khích phát triển loại hình doanh nghiệp dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
* Xin cám ơn ông.