Quảng Ngãi: Lý Sơn mất mùa "vàng trắng"
- Huyệt vị
- 13:42 - 25/02/2016
Năng suất giảm gần 1/3 so với niên vụ trước, nhiều hộ dân chỉ thu hoạch được vài chục kilôgam tỏi sau 4 tháng canh tác. Ảnh: DANH NGUYỄN
Mất mùa tỏi
Những ngày sau Tết Nguyên đán, không khí ra đồng thu hoạch tỏi đông xuân của nông dân Lý Sơn khá trầm lắng. Không còn những nụ cười bội thu năm nào, ai cũng tranh thủ thu hoạch tỏi để nhường đất cho vụ hành mới. Đảo Bé, xã An Bình là một trong những địa phương mất mùa tỏi nặng của huyện Lý Sơn. Vụ tỏi đông xuân, đảo Bé gieo trồng 25ha diện tích, sản lượng thu hoạch ước đạt dưới 20 tạ/ha, chỉ bằng 1/3 với niên vụ trước. Cầm những cây tỏi “cháy” trên tay, ông Đặng Thanh Điền xót xa: “Bà con ở đây sống nhờ cây tỏi, tỏi mất mùa thì đời sống cũng khó khăn hơn”. Vụ tỏi này gia đình ông Điền trồng 6 sào, năng suất thu được chỉ trên 300kg tỏi tươi, đem bán đi cũng không thu lại được vốn. Tương tự, hàng chục hộ dân trồng tỏi trên đảo Bé cũng chịu cảnh mất mùa tỏi, cuộc sống năm mới đã báo hiệu nhiều khó khăn.
Còn tại đảo Lớn, Lý Sơn, hàng trăm hécta tỏi đông xuân cũng đang cho thu hoạch. Sau 4 tháng vùi công chăm sóc, kết quả chỉ là những ruộng tỏi vàng úa, củ nhỏ và nứt toác. Cặm cụi nhổ những cây tỏi thấp bé, củ nhỏ, bà Nguyễn Thị Điễn (xã An Hải) chia sẻ: “Vừa xuống giống thì gặp nắng liên tục và sâu bệnh tấn công, dù nỗ lực chăm sóc và phòng bệnh nhưng vẫn không cứu được, khiến 3 sào tỏi chỉ cho thu hoạch khoảng 300kg tỏi tươi, giảm hơn 1 tấn so với niên vụ trước”. Để canh tác 3 sào tỏi, bà Điễn phải đầu tư 20 triệu đồng để cải tạo đất, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Đem bán hết số tỏi vừa được thu hoạch, gia đình bà thua lỗ 5 triệu đồng, chưa kể công ngày đêm chăm sóc.
Niên vụ trước, mỗi sào tỏi của người nông dân đảo cho thu hoạch đều từ 500-600kg tỏi tươi, năm nay mỗi sào chỉ đạt trên dưới 100kg. Nguyên nhân là do nắng hạn và sâu bệnh gây hại ngay đầu vụ khiến nhiều diện tích tỏi không có khả năng sinh trưởng và phát triển. Ông Lê Văn Đôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, thời điểm sâu bệnh xuất hiện đe dọa cây tỏi, huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xuống tận đồng tìm hiểu, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con phương thức phòng trừ sâu bệnh trên cây tỏi nhưng không cứu vãn được. “Nhiều hộ dân trên đảo sống nhờ cây tỏi (cây trồng chủ lực), mất mùa tỏi đồng nghĩa với đời sống những người dân này gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhấn mạnh.
Lo lắng thiếu giống
Mất mùa tỏi đông xuân, không những người nông dân trắng tay, nguy cơ thiếu giống để sản xuất cho niên vụ sau cũng là nỗi lo lắng của người trồng tỏi trên đảo. Vừa thu hoạch 5 sào tỏi của gia đình, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã An Hải) không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn giống để sản xuất vụ tỏi sau. Bà Hoa cho biết tỏi vụ trước to, chắc củ, không sâu bệnh nên có thể trữ được lâu làm giống. Còn tỏi vụ này chất lượng rất thấp. Sau khi thu hoạch tỏi về, bà Hoa cũng như nhiều người trồng tỏi trên đảo đã bắt đầu chọn ra những củ tỏi tốt nhất đem phơi khô làm giống cho vụ sau. Ngoài chất lượng tỏi không đạt chuẩn, người trồng tỏi trên đảo cũng lo lắng thiếu hụt nguồn giống để sản xuất cho niên vụ sau. Chị Trần Thị Thông (ngụ đảo Bé) chỉ tay về ruộng tỏi hơn 4 sào của gia đình cho biết: “Hơn 4 sào đấy, nhưng nhổ được vài chục kilôgam thôi, không biết lấy gì làm giống cho vụ sau nữa”. Mất mùa tỏi nặng, chị Thông và nhiều người trồng tỏi trên đảo đã bắt đầu dự tính mua tỏi dự trữ để làm giống cho vụ sau.
Huyện đảo Lý Sơn có trên 300 ha đất nông nghiệp sản xuất tỏi, mỗi vụ cần khoảng 300 tấn giống để xuống vụ mới. Vì thế, tỏi đông xuân mất mùa nặng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người nông dân đảo. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, chưa có vụ tỏi nào mất mùa như năm nay. Ngân sách địa phương ít, trong khi năng suất, chất lượng tỏi vụ này thấp, địa phương đã có văn bản trình UBND tỉnh để tìm giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Lý Sơn, vụ tỏi đông xuân 2015-2016, toàn huyện trồng 336ha, tổng sản lượng ước đạt gần 1.000 tấn, chỉ bằng 1/3 sản lượng niên vụ trước.