Quảng Ngãi: Khi chuyên gia không được nhập cảnh...
- Bài thuốc hay
- 01:35 - 05/03/2020
Công ty TNHH Zigui Jisheng đóng tại KCN Vsip Quảng Ngãi hiện có 160 lao động người Việt và 15 chuyên gia người Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất trong lĩnh vực dệt vải và nhuộm. Trong dịp tết vừa qua đã có 11 chuyên gia người Trung Quốc về nước và đã có 7 người quay lại sau tết và đã được cách ly 14 ngày. Hiện còn 4 chuyên gia của doanh nghiệp là người Trung Quốc không được nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Chương - Phụ trách mảng nhân sự của công ty cho biết: Việc không có 4 chuyên gia này tại Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Vì 4 chuyên gia này phụ trách 2 khâu rất quan trọng của nhà máy là điều chỉnh máy dệt sợi và pha màu cho máy nhuộm. Để khắc phục việc này chúng tôi đã tiến hành trao đổi công việc qua mạng trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như ý muốn.
Ngoài ra, nguyên vật liệu của Công ty TNHH Zigui Jisheng đều được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc nên trong thời gian tới việc không được nhập hàng hóa về Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty cũng như đời sống, việc làm của người lao động.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất trực tiếp từ dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi phải kể đến là công ty TNHH Xindadong Textiles đóng tại KCN Vsip. Đây là doanh nghiệp 100% vốn từ Trung Quốc, hiện có 1.550 công nhân người Việt và 56 chuyên gia người Trung Quốc, chuyên sản xuất sợi chỉ, sợi dệt may. Dịp tết vừa qua chỉ có 4 chuyên gia người Trung Quốc ở lại Việt Nam. 52 chuyên gia sau khi ở Trung Quốc ăn tết trở lại Việt Nam đã được cách ly 14 ngày và đã đi làm lại bình thường.
Tuy nhiên, công ty TNHH Xindadong Textiles đang đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2 cũng đóng tại KCN Vsip Quảng Ngãi dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 2/2020. Song, hơn 30 chuyên gia lắp đặt thiết bị và vận hành thử của dự án này hiện không được nhập cảnh vào Việt Nam đã khiến tiến độ của dự án bị trì trệ. Ngoài ra còn 200 cán bộ nhân viên người Việt của dự án này không có việc làm vì phụ thuốc vào nhóm chuyên gia người Trung Quốc.
Ông Đinh Tấn Quân-Trưởng phòng Hành chính-nhân sự của công ty TNHH Xindadong Textiles cho biết: "Hiện chúng tôi vẫn duy trì sản xuất kinh doanh của nhà máy cũ vì nguyên vật liệu của chúng tôi được nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Brazin…nên không lo về nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là làm sao có số chuyên gia từ Trung Quốc là nhà thầu cung cấp thiết bị cho nhà máy số 2 được quay trở lại Việt Nam để tiến vận hành thử và bàn giao cho chúng tôi. Vì sau khi bàn giao xong phía công ty mẹ tại Trung Quốc sẽ cử tiếp 30 chuyên gia sang vận hành dự án này.
Hiện tại 200 cán bộ nhân viên của dự án nhà máy số 2 vẫn được trả lương nhưng không có việc gì làm cũng ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài của doanh nghiệp, ông Đinh Tấn Quân cho biết thêm.
Bà Lê Thị Diệu Linh-Trưởng phòng Truyền thông của Công ty Công nghiệp nặng Việt Nam (Doosan vina) đóng tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất cũng nêu ra lý do tương tự. "Các đơn đặt hàng của công ty chúng tôi với đối tác Hàn Quốc hiện gặp khó khăn vì theo thông lệ trong quá trình sản xuất, phía đối tác luôn cử cán bộ giám sát trực tiếp sản phẩm từ khâu đầu tiên đến khi xuất xưởng. Hiện nay chúng chỉ quay video trực tiếp hiện trường và gửi bản lưu cho họ để điều chỉnh. 32 chuyên gia Hàn Quốc của công ty quay lại làm việc sau tết hiện có sức khỏe bình thường, chúng tôi luôn ghi nhật ký công việc và tiến hành kiểm tra y tế thường xuyên, cấp phát khẩu trang y tế, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn đầy đủ."
Ông Nguyễn Tấn Đối - PGĐ sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết Sở đã tiến hành rà soát số lao động là người nước ngoài ở Quảng Ngãi để báo cáo với cơ quan chức năng. "Chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ cấp phép lao động chứ xuất nhập cảnh thì không thuộc quyền hạn nên chỉ nắm bắt tình hình nhu cầu lao động, vướng mắc, khó khăn để tham mưu cho tỉnh có hướng điều tiết", ông Nguyễn Tấn Đối cho hay.