THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:48

Quảng Ngãi: Hàng trăm học sinh “mất sổ gạo”

Tây Trà là huyện miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn với 95% dân số là đồng bào Cor. Thực hiện Quyết định 85/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 84/QĐ-UBND để triển khai thực hiện. Theo đó, tiêu chí xác định đối tượng là học sinh bán trú được quy định: Đối với trường hợp nhà xa trường với khoảng cách từ 4 km trở lên (học sinh tiểu học) và 7 km với học sinh THCS, đối với trường hợp địa hình cách trở, qua sông, suối (không có cầu), đồi núi cao có thể gây mất an toàn, nguy hiểm với học sinh, không thể đi về trong ngày, khoảng cách từ 1 km với học sinh tiểu học và 2 km với học sinh THCS.

Tuy nhiên, với đặc thù là một huyện miền núi có địa hình cách trở, việc thực hiện đúng quy định chính sách lại không đơn giản như vậy. Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong, cho biết: “Năm ngoái toàn trường có 148 em được hỗ trợ, sau quyết định thanh tra chỉ còn 42. Nhiều em chỉ thiếu khoảng vài trăm mét cũng bị cắt hỗ trợ. Nhiều bản làng, học sinh đầu bản thì được hỗ trợ, cuối bản lại không, dẫn đến phụ huynh so bì, thắc mắc, thậm chí còn nói sẽ cho con nghỉ học nếu không được hỗ trợ”.

Theo các chính sách của Chính phủ, học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo, 40% lương tối thiểu và thêm 10% lương tối thiểu với học sinh ở lại nhà dân. Cắt hỗ trợ, phần lớn học sinh là hộ nghèo chới với khi phụ huynh phải xoay xở để có cơm ăn, áo mặc, sinh hoạt phí cho các em. chính sách được ban hành với mục tiêu hỗ trợ học sinh miền núi đến trường, nhưng sự chênh lệch giữa những quy định trong chính sách và đặc thù địa phương vô hình chung tạo khó khăn cho các em. Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Tôi có giãi bày với đoàn thanh tra về những khó khăn trong thực tế và kiến nghị huyện đề nghị tỉnh sửa đổi chính sách để phù hợp. Mỗi ngày đi học 2 buổi, các em sẽ đuối sức nếu cứ đi- về hai lượt giữa nhà và trường. Nếu được hỗ trợ bán trú, các em sẽ có điều kiện học hành tốt hơn”.

Ông Phạm Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Trà nói: “Nếu làm đúng, số học sinh bị cắt hỗ trợ có thể lên đến hàng nghìn. Nhưng nếu làm cứng nhắc theo quy định thì rất nhiều em bị thiệt thòi khó có điều kiện tiêp tục đến trường.    

ĐÔNG HẢI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh