THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:35

Quảng Ngãi: Bỏ hoang đồng ruộng vì hạn hán

Chưa năm nào, tình trạng khô hạn lại diễn ra gay gắt như vụ Hè Thu năm nay. Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích ruộng lúa tại tỉnh Quảng Ngãi không thể xuống giống. Nông dân lo lắng vì đối diện với tình trạng đói nghèo. 

Đã qua gần 10 ngày theo lịch xuống giống vụ Hè Thu của ngành nông nghiệp, nhưng tại cánh đồng thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông, vẫn chưa có thửa ruộng nào xuống giống. Gần 40 ha ruộng lúa nơi đây vẫn khô không khốc, phủ một màu trắng bạc. Kênh mương dẫn nước về cánh đồng hiện cũng khô cạn. Những bao phân được người dân chuẩn bị sẵn để bón ruộng nhưng chờ mãi vẫn không có nước. 

Ông Bùi Văn Đông (63 tuổi) thẫn thờ nhìn 6 sào ruộng khô nứt nẻ, xót ruộng, nhưng cũng đành bất lực vì không chống lại được thiên tai.

“Cứ tới vụ Hè Thu là cánh đồng này lại thiếu nước trầm trọng, có những năm có mưa đầu mùa, mình gieo sạ được nhưng sau đó cũng không có nước tưới nên lúa chết hết, đã mất công lại còn mất của”, ông Đông ngậm ngùi chia sẻ. 

Đồng Tân Phước nằm ở cuối kênh sông Giang. Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dòng nước chảy về lại càng hiếm hoi. Tuy nhiên, điều làm người dân nơi đây bức xúc nhất là cánh đồng Tân Phước nằm cách sông Trà khoảng 100 mét nhưng không thể tận dụng được nguồn nước này. Nguyên nhân là do không có kinh phí đầu tư máy bơm nước. Ông Trương Quang Nghĩa, người dân xã Tịnh Đông cho biết: "Cánh đồng của xã Tịnh Minh chỉ cách cánh đồng xã Tịnh Đông mấy chục mét, mà nhờ được lắp đặt trạm bơm lấy nước từ sông Trà lên nên vụ nào lúa cũng xanh tươi, bội thu. Nhìn ruộng lúa của người ta mà mình càng đau lòng khi ruộng mình phải bỏ hoang. Nhà 5 miệng ăn trông hết vào ngần ấy ruộng, nay không thể gieo trồng thì biết phải làm sao". 

Ông Nguyễn Văn Bảy, Thôn trưởng Thôn Tân Phước, cho biết: "Bà con đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp, cũng có những đoàn đã về đây kiểm tra, nhưng đến giờ vẫn chưa có đầu tư nào trực tiếp. Nguyện vọng của bà con là mong được chính quyền lắp đặt một trạm bơm đưa nước từ sông Trà lên hoặc có giải pháp đưa nước từ Thạch Nham về để bà con có thể sản xuất. Bởi thôn Tân Phước có 240 hộ dân thì đã có 227 hộ làm nông và trông chờ vào cây lúa. Ruộng này cũng không thể chuyển đổi cây trồng vì ruộng trũng, chỉ cần mưa lớn là cây ngô, đậu, lạc sẽ chết hết". 

Để cứu đồng Tân Phước, xã đã xin kinh phí từ huyện Sơn Tịnh để xây dựng tuyến kênh Bà Chanh - sông Giang phục vụ chống hạn, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, nhằm đưa nước từ kênh Thạch Nham về hệ thống kênh sông Giang. Nhưng đến nay, hệ thống cứu hạn này mới chỉ thực hiện được giai đoạn một. Để hoàn thành được kênh chống hạn thì cần xây dựng thêm bể chứa nước và lắp đặt hệ thống máy bơm để bơm nước từ bể chứa lên kênh sông Giang, kinh phí cho giai đoạn này khoảng 700 triệu đồng. 

Ông Hồng Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho hay: "Do cánh đồng Tân Phước nằm ở cuối kênh sông Giang nên phải chờ các cánh đồng khác đủ nước mới có thể bơm nước cho cánh đồng này. Sắp tới xã sẽ tiến hành bơm nước từ kênh Sông Giang ở đầu nguồn để tưới cho đồng Tân Phước, nhưng cũng chỉ có thể đủ cho khoảng 20 ha, diện tích còn lại sẽ phải bỏ hoang. Về lâu dài, xã cũng đang xin kinh phí để hoàn thiện kênh chống hạn Bà Chanh - sông Giang". 

Khi được hỏi tại sao không lắp đặt hệ thống máy bơm lấy nước từ sông Trà lên phục vụ cho cánh đồng Tân Phước, dù cho kinh phí lắp đặt máy bơm chỉ khoảng 500 triệu, trong khi xây dựng kênh chống hạn thì lớn hơn rất nhiều, ông Thi cho biết: “Năm 2008 chúng tôi đã thuê một công ty khảo sát nhưng không thể lắp đặt hệ thống máy bơm vì cao trình từ sông lên ruộng khá cao.

Thêm vào đó, nếu lắp đặt máy bơm thì tiền điện chạy máy sẽ do nhân dân đóng góp, nên rất phức tạp. Xây dựng kênh chống hạn thì do phía công ty xây dựng chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng nên sẽ ít phức tạp hơn”. 

Đây không phải là vụ Hè Thu đầu tiên mà người dân thôn Tân Phước đối diện với việc bỏ hoang đồng ruộng, với nguy cơ đói nghèo. Vì thế, chính quyền địa phương cần có giải pháp kịp thời và về lâu dài để đảm bảo nguồn nước cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Đông Hải/ Lao đông và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh