Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ 48,5 triệu USD ứng phó hạn hán
- Tây Y
- 23:37 - 26/04/2016
- Hạn hán, xâm nhập mặn đã trầm trọng đến mức nào?
- Hỗ trợ gần 485 tỷ đồng khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
- Thanh Hóa: Được hỗ trợ 26,9 tỷ đồng khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
- Miền Trung, Tây Nguyên nhiều sông hồ có mức nước thấp nhất lịch sử
- Cứu trợ khắc phục hạn hán tại Bến Tre, Ninh Thuận và Gia Lai
- Hạn hán ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng
Trong tháng 3, Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng. Đánh giá nhanh cũng cho thấy mặc dù một phần ba tổng số tỉnh đang ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài, 8 tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây, do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các bệnh dịch do thiếu nước sạch.
Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm mặn là một hiện tượng xảy ra thường niên, năm nay, xâm mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường 2 tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào nội địa trung bình từ 20-30 km.
Hàng trăm hécta ngô ở huyện Krông Pa, Gia Lai bị mất trắng do hạn hán.
Hậu quả của hạn hán và xâm mặn là hơn 400.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất, và khoảng 25.900 ha đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng. Ngay từ cuối năm 2015, Chính phủ đã cung cấp 5.223 tấn lương thực cứu trợ cho ba khu vực bị hạn hán và đã phân bổ 1.008 tỉ đồng (khoảng 45 triệu USD) thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia. Tính đến thời điểm hiện nay, 2 triệu m3 nước đã được cung cấp bằng xe tải cho các vùng hạn mặn, và 630.000 liều Chloramine B và 400.000 viên Aquatabs cũng đã được cung cấp cho các hộ gia đình đang không có nước sạch để sinh hoạt.
Với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn, ngày 15/3/2016, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cứu trợ khẩn cấp, ưu tiên các hỗ trợ đảm bảo cung cấp nước, lưu trữ nước và xử lý nước tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng cường giám sát bùng phát dịch bệnh.
Điều phối viên thường trú của LHQ, bà Pratibha Mehta cho biết: “Chính phủ đã nỗ lực to lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp song đây là một sự kiện đặc biệt kêu gọi hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp được đưa ra hôm nay nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của khủng hoảng này, hỗ trợ nhân đạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất về nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe và phục hồi sớm. Một phần kinh phí đã được cam kết, bảo đảm tạo điều kiện cho Chính phủ tiến hành các nỗ lực ứng phó và cứu trợ khẩn cấp.
Đợt El Nino hiện tại là một trong những sự kiện khí hậu cực đoan có tác động mạnh nhất được ghi nhận đến nay, có ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Thái Bình Dương. Trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng của El Nino được dự báo là sẽ không cải thiện trong năm 2016 và với khả năng có thể có La Nina tiếp theo sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên khắp thế giới cho đến cuối năm.
Để ứng phó kịp thời với tình trạng khủng hoảng này, một lời kêu gọi toàn cầu hỗ trợ các hành động cứu trợ tại 22 quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ được công bố tại Geneva hôm nay. Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đang làm việc chặt chẽ với các đối tác để bảo đảm triển khai kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu nhất của những cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.