Quảng Nam phấn đấu ít nhất 70% người phát hiện nguy cơ tim mạch được quản lý điều trị dự phòng
- Y học 360
- 08:10 - 11/06/2022
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó, tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nguy cơ; nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và các cơ sở điều trị chuyên sâu; chủ động giám sát, phát hiện và điều trị khống chế tỷ lệ mắc, tỷ lệ di chứng, tàn tật và giảm tỷ lệ tử vong; nâng cao tuổi thọ và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có kế hoạch liên ngành phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025; 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực phù hợp; Ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần...
Tỉnh cũng sẽ tăng cường tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phấn đấu có ít nhất 70% người phát hiện bị thừa cân, béo phì được thực hiện các biện pháp tư vấn kiểm soát thừa cân, béo phì phù hợp; ít nhất 70% người phát hiện nguy cơ tim mạch được thực hiện các biện pháp quản lý điều trị dự phòng theo quy định; ít nhất nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường. Phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ… nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.