CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:00

Quảng Bình: Tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo

Từ năm 2014 đến 30/6/2019, doanh số cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình qua 3 chương trình, gồm: hộ nghèo, giải quyết việc, xuất khẩu lao động đạt trên 1.279 tỷ đồng với 41.700 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt trên 700 tỷ đồng với gần 18.400 hộ dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng 38,5 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng số nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quảng Bình: Tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn chính sách giúp người dân đầu tư phát triển sinh kế,vươn lên làm giàu.

Với những kết quả tín dụng như vậy, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 44.900 hộ được hỗ trợ và vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm thường xuyên cho trên 11.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động thất nghiệp chung toàn tỉnh từ 2,38% (năm 2014) xuống còn 1,98% (năm 2018); hỗ trợ 3.700 hộ nghèo và 88 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở… Đây là những con số chứng minh cho tính hiệu quả và tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việc thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm dần tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,23% năm 2014 xuống còn 7, 23% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015); giảm từ 14,42% năm 2016 xuống còn 6,14% năm 2019 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2015 - 2020).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở các địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm, nhưng việc tiếp cận các thông tin của người lao động, đối tượng chính sách vay vốn vẫn còn chưa đầy đủ, tạo vướng mắc cho người lao động; một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn nên một số hộ vay vốn gặp khó khi sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi và để xảy ra tình trạng nợ quá hạn; một bộ phận hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động trong sử dụng nguồn vốn vay, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước…

Theo ông Trịnh Đình Dương, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân hiểu rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan cần tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo và các hộ chính sách khác tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn vay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng; có sự phối, kết hợp giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với các trung tâm khuyến nông – lâm - ngư để triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế…

ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh