Quảng Bình: Tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSLĐ
- Bài thuốc hay
- 15:14 - 29/12/2020
Trong thời gian qua, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Bình đã hoạt động từng bước hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của người sử dụng lao động và ý thức của NLĐ trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Từ đó, góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN cũng như thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng được quan tâm, nhất là việc tuyên truyền chính sách, pháp luật được đẩy mạnh và công tác thanh tra, kiểm tra được phát huy. Cùng với đó, việc thống kê, báo cáo các vụ TNLĐ chết người được thực hiện cơ bản đầy đủ và thông tin về tai nạn kịp thời hơn so với những năm trước đây.
Đáng kể, TNLĐ chết người của tỉnh Quảng Bình giảm dần theo thời gian, giai đoạn 2011-2015, bình quân 56 người chết/năm, đến giai đoạn 2016-2020, bình quân 50 người chết/năm, trong đó, không có TNLĐ liên quan đến các loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và 100% vụ TNLĐ chết người trong khu vực có quan hệ lao động đều được điều tra, giải quyết chế độ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật về ATVSLĐ nên có những nội dung chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Do đó, việc tăng cường quản lý nhà nước về chính sách ATVSLĐ sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi của NLĐ đúng quy định.
Thực tế cho thấy, vấn đề tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp và NLĐ hiện nay vẫn chưa nghiêm, đáng chú ý là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có hiện tượng thực hiện đối phó, chưa chủ động, tích cực. Nhiều cơ sở sản xuất có môi trường lao động ô nhiễm gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho NLĐ và gây tác hại đến môi trường chung của cộng đồng.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động đạt tỷ lệ thấp, nhiều NLĐ chưa được huấn luyện. TNLĐ, BNN bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ nghiêm trọng, đặc biệc, trong lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, như: khai khoáng, xây dựng, bảo vệ điện...
Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, trong đó, điều tra các vụ TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động rất khó thực hiện. Công tác thống kê tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hàng năm chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế, đáng kể là TNLĐ trong khu vực lao động tự do, không có quan hệ lao động. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho NLĐ chưa được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đúng mức, trong khi đó, khả năng kiểm soát, giám sát ATVSLĐ của các cơ quan chức năng còn hạn chế…
Từ thực trạng phân tích cho thấy, cần có những giải pháp để giải quyết cơ bản và triệt để các vướng mắc nêu trên. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có sự quan tâm hơn về công tác ATVSLĐ. Năm 2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật ATVSLĐ bảo đảm hài hòa lợi ích, trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, đáp ứng tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ.
Trong đó, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ (NĐ 88/2020) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc là một trong những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15-9-2020 với nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp và NLĐ theo hướng có lợi cho NLĐ, chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp.
NĐ 88/2020 gồm 6 chương, 47 điều quy định rất chi tiết các nội dung để các cấp, ngành và NLĐ biết và thực hiện, gồm: hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; NLĐ phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN; hoạt động hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.
Trên cơ sở đó, NĐ 88/2020 có một số điểm mới cần lưu ý về chế độ TNLĐ, BNN. Cụ thể, theo nghị định, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ khi có đủ các điều kiện sau: suy giảm khả năng lao động do bị TNLĐ, BNN từ 31% trở lên; được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với sức khỏe; đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định.
Bên cạnh đó, NLĐ được hỗ trợ khám BNN khi có đủ các điều kiện: thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên; được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa BNN. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện, cụ thể: không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên; không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách ATVSLĐ và người làm công tác y tế…
Đến thời điểm hiện tại, NĐ 88/2020 được triển khai đã quy định rất chi tiết và cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các địa phương cũng như các đơn vị liên quan. Đây chính là một trong những quy định làm cơ sở cho địa phương làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện NĐ 88/2020 hiệu quả, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Đến nay, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật ATVSLĐ, NĐ 88/2020 đến các đối tượng, chủ thể có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sự cần thiết của ATVSLĐ. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và NLĐ, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp và NLĐ hiểu rõ quyền, trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của NLĐ, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.
Các hoạt động ATVSLĐ được quy định trong luật cần triển khai đồng bộ, thường xuyên. Nội dung hoạt động quy định trong luật đã khá đầy đủ, từ nguyên tắc bảo đảm ATVSLĐ; các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, có hại và xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; bảo đảm ATVSLĐ đối với một số nhóm lao động đặc thù và đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các hoạt động quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Để thực thi Luật ATVSLĐ hiệu quả, đưa NĐ 88/2020 vào cuộc sống, cần phải huy động và tạo sự đồng thuận, chung tay của các cấp, ngành, các tổ chức công đoàn và tổ chức chính trị-xã hội, quần chúng nhân dân trong công tác ATVSLĐ. Thúc đẩy và đề cao vai trò bảo đảm quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban MTTQVN, các thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện ATVSLĐ.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cán bộ quản lý về lao động của các cơ quan quản lý nhà nước cần được quan tâm, nhất là cấp huyện, thị xã, thành phố để họ kịp thời hướng dẫn NLĐ trong các doanh nghiệp trên địa phương.
Các đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện NĐ 88/2020 cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Nghị định, tổ chức cho cán bộ, công nhân viên chức, NLĐ nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm thực hiện đúng quy định, tránh sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Khi thực hiện nghiêm túc những vấn đề nêu trên, Nghị định sẽ sớm đi vào cuộc sống.