THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:24

Quảng Bình: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Bà con nông dân ở xã biên giới Hóa Sơn, huyện Minh Hóa chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi Đảng ủy xã Hóa Sơn ra Nghị quyết về phát triển chăn nuôi, bà con nơi đây đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, cuộc sống ngày càng khấm khá. Anh Đinh Minh Thân ở xã Hóa Sơn cho biết: “3 năm trước, từ Nghị quyết phát triển chăn nuôi của Đảng ủy xã Hóa Sơn, tôi được xã hỗ trợ giống lợn rừng…”. Ban đầu, nhà anh Thân không có vốn nên chỉ nuôi được 2 con. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa được 90 triệu đồng rồi đầu tư trang trại, mua thêm đàn lợn rừng…

“Đến nay, tổng đàn lợn rừng của tôi hơn 50 con, mỗi năm thu lãi từ việc bán lợn rừng đạt hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, tôi đã thoát khỏi hộ cận nghèo và trả một phần nợ cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Thời gian tới, tôi tiếp tục vay vốn NHCSXH để mở rộng chăn nuôi lợn rừng”, anh Thân chia sẻ.Còn chị Phan Thị Chỉ ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa cho biết: “Từ giống lợn rừng mà UBND xã Hóa Sơn hỗ trợ, tôi tập trung chăn nuôi và tăng đàn. Ban đầu, việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ, sau khi bàn với chồng vay vốn để mở rộng chăn nuôi, tôi đã đi vay và tiếp cận được nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa được 120 triệu đồng. Có vốn trong tay, gia đình tôi làm chuồng trại quy mô hơn, mua thêm vài chục con lợn rừng về thả. Sau 3 năm nuôi lợn rừng, hiện tôi có hơn 20 con lợn rừng, mỗi năm xuất bán lợn rừng tôi lãi gần 100 triệu đồng. Việc nuôi lợn rừng mang lại cho gia đình tôi công việc, thu nhập ổn định và nay đã thoát nghèo, không còn sống nương tựa vào rừng”.

Đầu năm 2021, chị Trần Thị Bi ở phường Đức Ninh, TP Đồng Hới được Phòng giao dịch NHCSXH TP Đồng Hới tạo điều kiện cho vay số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Vui mừng vì được hỗ trợ vốn vay kịp thời để phát triển kinh tế, chị Bi chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có xưởng sản xuất hương truyền thống quy mô tương đối lớn với 4 máy sản xuất. Cơ sở đang trên đà sản xuất tốt và ổn định đầu ra thì năm 2020, xưởng sản xuất không may bị lửa thiêu cháy. Toàn bộ máy móc, nhà xưởng, nguyên vật liệu sản xuất bị phá hỏng và thiêu rụi hoàn toàn. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 1 tỷ đồng”.May mắn được Hội Nông dân tín chấp với NHCSXH cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm, chị đã xây dựng lại nhà xưởng và mua lại 2 máy sản xuất hương. Hiện tại, cơ sở sản xuất hương của gia đình chị đang khôi phục dần. Sắp tới, sau khi sản xuất ổn định và có thêm vốn, chị sẽ mở rộng thêm nhà xưởng để tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng từ nguồn vốn ưu đãi củ người dân tộc Bru - Vân Kiều tại Quảng Bình

Mô hình chăn nuôi lợn rừng từ nguồn vốn ưu đãi củ người dân tộc Bru - Vân Kiều tại Quảng Bình

Cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, chị Nguyễn Thị Thủy, phường Đức Ninh đã có cơ hội mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển kinh tế. “Trước đây, gia đình tôi không có nguồn vốn nên chỉ biết chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong vườn chỉ nuôi 1 đến 2 con lợn và ít con gà nên hiệu quả kinh tế không có. Từ khi được Phòng giao dịch NHCSXH TP Đồng Hới cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, trung bình mỗi năm đầu tư chăn nuôi 3 lứa, mỗi lứa 10 con. Nhờ biết đầu chăn nuôi theo quy mô lớn nên mỗi năm gia đình tôi thu lại lợi nhuận 200 triệu đồng”, chị Thủy chia sẻ.

Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cho biết: thời gian qua, Chi nhánh đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó tiếp tục góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, hàng năm, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan, cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, hộ mới thoát nghèo năm 2021 để làm căn cứ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.Thời gian tới, chi nhánh sẽ chỉ đạo các đơn vị, tổ chức trong mạng lưới tập trung giải ngân phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ để có biện pháp tháo gỡ.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh