THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:09

Quảng Bình: Kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ

Trong thời gian qua, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những bước chuyển biến tích cực. Các DN có sự quan tâm hơn về công tác ATVSLĐ, như: đầu tư, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại; cải thiện điều kiện lao động và hạn chế được các yếu tố nguy hiểm, mất an toàn lao động trong sản xuất; áp dụng nhiều sáng kiến kỹ thuật vào thực tế sản xuất làm tăng năng suất, giảm cường độ lao động cho NLĐ, cũng như giảm thiểu tác động môi trường.

Ngoài ra, DN ngày càng chú trọng hơn đến công tác huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ và thực hiện các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho NLĐ theo quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, công tác quản lý ATVSLĐ ngày càng được thực hiện chặt chẽ, do đó, nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và ý thức của NLĐ trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ được nâng cao.

Quảng Bình: Kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ - Ảnh 1.

Công ty Điện lực Quảng Bình luôn tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động

Điển hình, Công ty Điện lực Quảng Bình luôn tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho cán bộ, nhân viên và NLĐ trong doanh nghiệp. Ông Lê Ngọc Thêu, Đội phó Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty Điện lực) cho biết, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, kỹ thuật viên, trước khi được giao nhiệm vụ công tác trên lưới điện đều bắt buộc phải qua huấn luyện an toàn, nắm vững các quy trình quy phạm.

Đồng thời, khi thực hiện công việc cần trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động, như: quần áo, mũ, găng tay, bút thử điện, phiếu công tác, phiếu thao tác... Các thao tác cũng phải được tập dượt thuần thục trước khi triển khai công việc.

Ngay cả khi đã thuộc lòng các quy trình, quy phạm về an toàn điện, TNLĐ vẫn có thể xảy ra, bởi chỉ một tích tắc mất cảnh giác, chủ quan, phán đoán sai, thao tác nhầm. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện khi tham gia xử lý sự cố cần phải nhanh, chính xác, an toàn, bảo toàn giá trị tài sản, thiết bị vận hành. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát phải được đặt lên hàng đầu nhằm kiểm tra kỹ lưỡng và rà soát lại các bước (thắt quai mũ, giữ chắc chân thang, tiếp địa, đóng cắt đúng mạch, giữ khoảng cách an toàn…) giúp giảm thiểu những sai sót nhỏ, bảo đảm an toàn trong lao động…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc chấp hành thực hiện pháp luật ATVSLĐ của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế, nhất là các công ty TNHH, DN tư nhân, hộ kinh doanh cá thể. Một số chủ DN chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa chú trọng đến công tác ATVSLĐ.

Mặt khác, số lượng NLĐ còn nhiều chưa được đào tạo, làm việc theo bản năng, tính kỷ luật công nghiệp còn hạn chế và chỉ quan tâm đến thu nhập, chưa chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ hay tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân. Do vậy, tình trạng cháy, nổ, đổ sập các công trình xây dựng và NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) vẫn còn xảy ra phức tạp.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 56 vụ TNLĐ, làm 58 người bị nạn, trong đó, 19 người chết, 39 người bị thương nặng. Địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ là TP. Đồng Hới và huyện Quảng Trạch. Địa bàn thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng được xác định là TNLĐ tập trung chủ yếu ở huyện Minh Hóa.

Trước tình hình đó, vấn đề cải thiện điều kiện lao động, phòng TNLĐ, BNN, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được Hội đồng ATVSLĐ tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện. Năm 2021, Tháng hành động về ATVSLĐ được phát động với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên".

Quảng Bình thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ làm các ngành, nghề, lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ gắn với lồng ghép công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các DN.

Đây được đánh giá là một trong những biện pháp thiết thực nhất, thúc đẩy hiệu quả việc xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả NLĐ, người sử dụng lao động về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.

Các cơ quan, tổ chức, DN, hợp tác xã cũng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ trên hệ thống loa truyền thanh, trên bảng tin và các hình thức khác; đồng thời, phát động phong trào thi đua cam kết bảo đảm ATVSLĐ và tổ chức cho các phân xưởng, tổ, đội sản xuất đăng ký đơn vị ATVSLĐ, không để xảy ra TNLĐ, sự cố sản xuất, cháy nổ...

Song song, các DN trên địa bàn sẽ thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về sở; đồng thời, các cấp công đoàn, công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự tiến hành kiểm tra công tác ATVSLĐ nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và trường hợp nguy cơ rủi ro có thể xảy ra nơi làm việc để kịp thời ngăn chặn.

Từ tình hình thực tế công tác ATVSLĐ và TNLĐ, BNN hiện nay, ngoài tháng cao điểm, các cơ quan, đơn vị và địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

Đối với các DN, người sử dụng lao động phải thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm BNN cho NLĐ; đồng thời, kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn cho NLĐ… Quan trọng hơn cả, NLĐ phải luôn nâng cao ý thức trong việc tự đánh giá nguy cơ rủi ro trước và trong quá trình lao động để phòng ngừa TNLĐ, BNN.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh