Quảng Bình: Chăm lo, hỗ trợ người yếu thế trong mùa dịch Covid-19
- Dược liệu
- 19:58 - 13/10/2021
Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Quảng Bình hiện đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 67 đối tượng là người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em mồ côi và đối tượng bảo trợ khẩn cấp. Xác định rõ đa số các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng là những người có nhiều bệnh lý nền, sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao nên công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 càng phải thực hiện quyết liệt hơn.
Từ đầu mùa dịch đến nay, trung tâm đã chủ động tuyên truyền về cách phòng, chống dịch Covid-19 để các đối tượng biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân; đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường, khử khuẩn khu vực phòng ăn, phòng ở, nơi sinh hoạt chung. Đội ngũ cán bộ, nhân viên và các đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng luôn được kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đáng kể, đơn vị điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện, nhất là bổ sung dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng cho các đối tượng…
Ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng (CS và PHCN) cho người tâm thần ngoài thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, còn nâng cao mức độ phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và 133 đối tượng. Trung tâm tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, như: Kiểm soát đo thân nhiệt, khai báo y tế; lập sổ theo dõi lịch trình di chuyển, thông tin về dịch tễ đối với người ra, vào; các đối tượng được bố trí nơi ở cách biệt, tránh tiếp xúc qua lại; tạm dừng hoạt động người thân vào thăm hỏi đối tượng; hạn chế giao dịch với người ngoài, trừ trường hợp khẩn cấp… Đặc biệt, đơn vị cũng tổ chức cho đối tượng lao động trị liệu, phục hồi chức năng, luyện tập thể dục-thể thao để duy trì sức khỏe, thể lực ổn định. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho đối tượng tâm thần cũng được chú trọng trong thời gian giãn cách xã hội…
Đối với người già, trẻ nhỏ bị khuyết tật, việc chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này phải tiến hành thường xuyên, liên tục và chế độ dinh dưỡng, thuốc men cũng khác biệt so với ngày thường. Để có thêm điều kiện, nguồn lực chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, theo ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, trung tâm rất mong các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Cũng như Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Làng trẻ em SOS Đồng Hới cũng chủ động và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các cán bộ, nhân viên đơn vị tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho 155 em nhỏ và 18 bà mẹ, bà dì trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Các bà mẹ, bà dì được cập nhật thông tin về dịch bệnh cũng như các phương án đối phó kịp thời, đầy đủ thông qua nhóm zalo của làng. Đặc biệt, các bà mẹ và nhân viên giáo dục đã bám sát lịch cụ thể và nhắc nhở việc học tập. Các con cũng được khuyến khích tham gia các lớp học online do các tình nguyện viên giảng dạy với các môn, như: Toán, Văn, Tiếng Anh…
Cháu Lê Thị Vân Anh (14 tuổi), thành viên Nhà hoa Thược dược, Làng trẻ em SOS cho hay: “Trong mùa dịch, việc duy trì học tập theo nhóm nhỏ giúp chúng cháu dễ dàng tiếp thu kiến thức, cũng như các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19…”.
Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng BTXH, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH, nhằm bảo đảm an toàn cho các đối tượng, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các CSTGXH chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, toàn bộ các CSTGXH chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Ngoài ra, mỗi cán bộ, nhân viên các cơ sở cũng phát huy tinh thần chăm sóc, bảo đảm an toàn cho đối tượng như người thân...
Về những vấn đề trên, ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng, việc duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài là khó khăn chung của toàn xã hội. Bởi vậy, trước mắt, các CSTGXH cần chủ động tăng gia sản xuất để có thêm nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng cho các đối tượng; đồng thời, tranh thủ các mối quan hệ xã hội để huy động thêm các nguồn lực trợ giúp... Theo ông Dương, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu để cân đối nguồn kinh phí chi cho các đơn vị trong năm 2021 sao cho hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, trong mọi hoàn cảnh, các trung tâm BTXH phải chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác.
PV
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ