Quảng bá du lịch qua phim truyền hình: mảnh đất còn nhiều tiềm năng
- Văn hóa - Giải trí
- 15:45 - 01/01/2017
Diễn viên Nhã Phương diễn một phân đoạn cảm xúc trong tuổi thanh xuân phần 2 tại InterContinental Danang Sun Penisula Resort
Nhiều cách đã được đưa ra như tổ chức các festival, hội chợ, triển lãm, quảng cáo trên CNN… Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn chưa tạo được bước đột phá cũng như thu hút nhiều khách du lịch đến với Việt Nam. Các sự kiện trên chỉ có thể mời gọi ban lãnh đạo, các đơn vị lữ hành đến tham quan mà người dân các nước thì ít biết đến. Trong khi đó, chúng ta lại cần rất nhiều khách là người dân bình thường, họ mới là đối tượng lâu dài, thường xuyên. Như vậy, để quảng bá hình ảnh đất nước phải có một cách khác, dài hơi và hiệu quả, tác động đến từng người dân và thu hút họ bỏ thời gian, tiền bạc. Vậy tại sao chúng ta lại không quảng bá du lịch thông qua các bộ phim truyền hình?
Phim ảnh luôn là một cách quảng bá tuyên truyền tốt nhất. Thông qua một bộ phim hay, người xem có thể bị tác động đến lối sống, phong cách và ảnh hưởng cả “gu” ăn mặc. Mượn những góc quay thật đẹp, những cảnh trí hữu tình, những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong các bộ phim nổi tiếng để quảng bá du lịch, đó là cách làm thường thấy và rất hiệu quả của du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã sử dụng phương tiện này để nâng cao hiệu quả du lịch và thành công như Hàn Quốc, Đài Loan… Làn sóng Hàn với những danh thắng như đảo Jeju, đỉnh núi lửa Song Il Chu Bong, nơi các đôi uyên ương đến để đón nhận ánh sáng bình minh, bảo tàng Gấu Teddy của đảo trăng mật Jeju đã xuất hiện trong hầu hết các bộ phim Hàn ăn khách như “Một cho tất cả”, “Chuyện tình mùa đông”, “Nàng Dae Chang Kum”, “Huyền thoại lữ khách”, “Được làm hoàng hậu”... Những bộ phim truyền hình xứ kim chi ăn khách không chỉ mang về doanh thu cực lớn cho nền điện ảnh nước nhà mà còn mang đến doanh thu về du lịch. Các du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và cả dân Hàn thi nhau đến tham quan. Giống như Hàn Quốc, Đài Loan cùng với dòng phim thần tượng cũng nhờ những tên tuổi như Lâm Y Thần, Trịnh Nguyên Sướng… quảng bá mà nhiều khu du lịch đìu hiu bỗng trở nên nhộn nhịp. Du khách đến không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp đã nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ mà còn muốn nhớ lại những câu chuyện tình xúc động trên đã diễn ra tại đây. Chính vì vậy mà sự thành công của phim ảnh tác động không nhỏ đến du lịch.
Tại Việt Nam, chỉ một vài năm gần đây, câu chuyện quảng bá du lịch qua phim truyền hình mới được đề cập. Đây là mảnh đất còn nhiều tiềm năng. Nước ta cũng đang chú trọng nhiều đến dòng phim truyền hình thông qua những ưu đãi về giờ vàng và đẩy mạnh sản xuất phim liên tục. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam từng chứng kiến "làn sóng" khách quốc tế đổ đến Vịnh Hạ Long, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi hình ảnh đẹp của những nơi này được giới thiệu trong các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp như Ðông Dương, Người tình...
Diễn viên Kang Tae Oh tập trung diễn xuất tại Đà Nẵng
Tuy nhiên việc hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài để quảng bá du lịch trong nước thì chỉ gần đây mới được chú ý đến và chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động tận dụng những cơ hội quảng bá này khi mà phim “Pan” – bom tấn 3D của Hollywood có nhiều bối cảnh quay đẹp tại Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long nhưng khán giả xem phim lại không biết đến. Và xác định được tầm quan trọng trong việc hợp tác làm phim, từ năm 2014, xu hướng này đang VTV- Đài truyền hình Việt Nam chú trọng hơn và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Ra mắt từ năm 2014, bộ phim truyền hình “Tuổi thanh xuân”, bộ phim hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tập đoàn truyền thông và giải trí CJ E&M (Hàn Quốc) sản xuất đã giành được sự yêu mến của khán giả, trở thành bộ phim ấn tượng, được yêu thích nhất trong năm 2015.
Sau cái kết “mở” khiến khán giả có phần hụt hẫng ở phần 1, VTV và CJ E&M lại tiếp tục hợp tác để cho ra mắt phần 2 của bộ phim vào đầu tháng 11/2016 này. Kể tiếp câu chuyện tình đẹp, nhưng cũng không ít những biến cố, chông gai trong hành trình đến với hạnh phúc của Linh (Nhã Phương đóng) và Junsu (Kang Tae Oh đóng), “Tuổi thanh xuân” phần 2 được dự đoán là sẽ tiếp tục tạo nên cơn sốt cho khán giả truyền hình trong thời gian tới.
Nhất là từ thành công của bộ phim “Tuổi thanh xuân”, hàng loạt các bối cảnh đẹp, là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như hồ Gươm, hồ Tây, vịnh Hạ Long đẹp lung linh trong những thước phim đầu tiên của Tuổi thanh xuân phần 2 phát sóng vừa qua. Rồi tiếp theo đó, trong công nghệ quay phim khi sử dụng toàn bộ máy quay 4K, mang đến một không gian cảnh đẹp của Đà Nẵng, công viên Asian Park, Bà Nà hills, khu nghỉ dưỡng ven biển InterContinental Danang Sun Penisula Resort, Hội An- địa điểm du lịch đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới … sẽ được xuất hiện xuyên suốt ở phần 2 của phim.
Tương tự, trong những phim hợp tác với Nhật Bản như “Người cộng sự” hay “Khúc hát mặt trời”, những địa danh nổi tiếng của Việt Nam cũng được đạo diễn và êkíp làm phim lựa chọn.
Không chỉ có cảnh quay hấp dẫn, những bộ phim hợp tác với nước ngoài còn là cầu nối hữu hiệu, để giới thiệu những nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam đến với các nước. Thông qua việc khai thác đời sống, tâm lý, tình cảm, qua những diễn biến trong phim, các đạo diễn còn gắn kết vào đó những nét đẹp về văn hóa và đời sống của hai nước, giúp khán giả xem phim thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam. Điều này đã được khẳng định, khi các bộ phim hợp tác hầu hết được công chiếu ở cả hai nước. “Người cộng sự” được công chiếu đồng thời ở hai nước Việt Nam - Nhật Bản. “Tuổi thanh xuân” không chỉ được công chiếu tại Việt Nam - Hàn Quốc, mà còn được phát sóng trên kênh Channel M, kênh truyền hình trả tiền hiện đang phủ sóng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)…
Và đó là một cơ hội tốt để khán giả truyền hình quốc tế có thêm những hiểu biết về Việt Nam thông qua những câu chuyện về cuộc sống giới trẻ, về gia đình và cả qua những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam được lồng ghép khá nhiều trong phim.
Phải thừa nhận rằng, việc hợp tác sản xuất phim với các đơn vị nước ngoài, không chỉ đẩy mạnh được hình ảnh hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, mà nó còn góp phần giúp khán giả (người dân) ở các nước hiểu rõ hơn về sự gần gũi, tình cảm và tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư, về các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế giữa hai nước.