THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Quan tâm người lao động trong khu công nghiệp trước các "đợt sóng” Covid-19

Các KCN tạo việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có cả nước có 370 KCN được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2019. 

Trong giai đoạn 2016 - 2019, KCN, KKT nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng. Các KCN cũng đã tạo ra việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.

Quan tâm lao động trong khu công nghiệp trước các "đợt sóng” Covid-19 - Ảnh 1.

Ưu tiên phòng chống dịch tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (Ảnh minh họa)

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn KCN, KKT chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng... 

Đơn cử như tại Bắc Ninh hiện có 10/16 KCN tập trung đã di vào hoạt động. Các KCN Bắc Ninh đã sử dụng 331.604 lao động. Còn tại Bắc Giang, hiện có 6 KCN, sử dụng khoảng 133.000 lao động. Giá trị xuất khẩu 9 tháng 2020 đạt khoảng 5,1 tỷ USD (tương đương so với cùng kỳ năm 2019); giá trị nhập khẩu đạt khoảng 4,75 tỷ USD (giảm 0,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019).

Hay như Hà Nội có 9/17 KCN, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là 161.896 người. Các KCN, khu chế xuất đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và trên 20% GDP của Thành phố, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. 

Tại Bình Dương, đến nay đã có 29/31 KCN đi vào hoạt động, các KCN đã tạo việc làm cho 472.461 lao động trong các doanh nghiệp (DN), trong đó 87% là lao động ngoài tỉnh. Hằng năm, các doanh nghiệp trong KCN đạt doanh thu khoảng 32,5 tỷ USD và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 719 triệu USD.

Đáng chú ý, hầu hết các dự án FDI đều nằm trong các KCN, KKT, sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao và nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Năm 2020, khu vực FDI đóng góp 202,89 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm tỷ trọng 71,7%. 

Nêu ra như vậy để thấy rằng nếu không có nhận thức đúng, chủ quan lơ là, nhất là các tỉnh chưa có dịch và đưa ra các biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất lớn, tác động cực kỳ nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Ưu tiên phòng chống dịch cho các KCN

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch ngoài cộng đồng, cần tập trung cho các , KKT, các nhà máy, xí nghiệp…bởi lẽ nếu khối này bị ngưng trệ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam – 1 yếu tố đóng góp quan trọng của tăng trưởng kinh tế, gia tăng nguồn lực cho xã hội mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trên thực tế, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hàng chục, hàng trăm cuộc họp bằng nhiều hình thức khác nhau để chỉ đạo phòng chống dịch với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", trong đó có chú trọng đến các khối sản xuất. 

Mục tiêu lớn nhất của Chính phủ hiện nay là đảm bảo tính mạng cho toàn thể công dân và người đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam; Đồng thời vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, không để đứt gãy nguồn cung.

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, cũng đã nêu rõ: Ban quản lý các KCN, KCX, KKT, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung… 

Cùng vào cuộc với Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần chung tay, chủ động bảo vệ công nhân, người lao động thông qua việc nghiêm túc nguyên tắc 5K và chủ động tiêm vắc xin. Có như vậy, chúng ta mới khống chế thành công đợt dịch lần thứ 4 và thực hiện được mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong đợt dịch thứ 4 này, đặc biệt khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp có quy mô lớn đang bị tác động rất mạnh. trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước. 

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: "Các địa phương có nhiều KCN, KCX, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đông công nhân như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Thái Nguyên... cần quan tâm 4 vấn đề". 

Cụ thể: Thứ nhất, quan tâm quản lý công nhân; thứ hai, phương án giãn cách, cách ly công nhân đi đôi với duy trì sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; 

Thứ ba, quản lý công nhân cả hai chiều. Đó là công nhân ở trong Khu chế xuất, và cả số lượng công nhân sáng đi tối về; và những ngày lễ, ngày nghỉ công nhân đi về - đây là nguy cơ hai chiều; Thứ tư, bên cạnh các biện pháp cách ly phải hết sức quan tâm đến đời sống công nhân.

Trên cơ sở đó, để thực hiện phương châm, phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm và coi đây là cơ bản, thì biện pháp căn cơ, bền vững, và lâu dài theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính là tiêm vắc xin. 

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị bổ sung cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19. Còn đối với hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho hay, Bộ cũng đã làm việc với các bộ, ngành để thống nhất phương án đề xuất.

THANH NHUNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh