Quản lý nguồn nhân lực xanh thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- Huyệt vị
- 18:44 - 14/10/2021
Nguồn nhân lực xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế xanh
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Doãn Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội nhấn mạnh: Quản lý nguồn nhân lực xanh với sự tiếp cận sử dụng bền vững các nguồn lực trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực làm việc và sự hài lòng của nhân viên, thúc đẩy bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế xanh là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới. Quản lý nguồn nhân lực xanh có vai trò lớn trong việc thúc đẩy và đạt được các mục tiêu bền vững của doanh nghiệp, đem đến lợi ích cho mọi người lao động, lợi ích cho doanh nghiệp và toàn xã hội.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp. Hội đồng chuyên môn của hội thảo đã tiến hành thẩm định các bài viết khoa học một cách độc lập, nghiêm túc, khách quan.
Trong thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài viết, ban tổ chức đã chọn lọc được 19 bài nghiên cứu để in toàn văn trong kỷ yếu hội thảo. Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn; không chỉ có tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn đưa ra các gợi mở về giải pháp, hàm ý chính sách đối với quản lý nguồn nhân lực xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Quản trị nguồn nhân lực xanh trong các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các hoạt động quản lý nguồn nhân lực xanh của doanh nghiệp Việt Nam như: Thiết kế công việc xanh, thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân lực xanh, xanh hóa đào tạo và phát triển nhân lực, quản lý an toàn và sức khỏe người lao động đáp ứng yêu cầu bền vững, quan hệ lao động xanh, các vấn đề môi trường, truyền thông xanh, tinh thần đồng đội xanh, nơi làm việc xanh, hiệu suất công việc xanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và phúc lợi bền vững cho người lao động; thực thi trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) trong lao động; đồng thời thảo luận các tác động của quản lý nguồn nhân lực xanh đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và môi trường; kiến nghị các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quản lý nguồn nhân lực xanh. Hội thảo cũng là diễn đàn để đại diện các doanh nghiệp và các học giả và trao đổi, thảo luận, giải đáp nhằm làm rõ bản chất, lợi ích của quản lý nguồn nhân lực xanh và các giải pháp thực hiện.
Theo TS Nguyễn Thị Minh Hòa, Trưởng bộ môn Dân số - nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động - Xã hội, “Quản trị nguồn nhân lực xanh được định nghĩa là các khía cạnh liên quan đến quản trị nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm thông qua các quy trình hoạt động của tổ chức”. Trong những năm qua, nhằm đối phó với suy thoái môi trường ngày càng tăng, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tiêu biểu như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1393/QĐ-TTg. Tuy nhiên, tình trạng xả thải và ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2019, Việt Nam có tổng phát thải CO2 từ tiêu dùng (NLSC) là 285,9 triệu tấn, chiếm 0,8% tổng phát thải CO2 của thế giới và mức phát thải bình quân đầu người là 2,96 tấn/người. Tổng tiêu dùng NLSC chỉ bằng 0,7% của thế giới, nhưng quy mô phát thải lại chiếm 0,8% của thế giới; tiêu dùng NLSC bình quân đầu người chỉ bằng 56,4% của thế giới nhưng mức phát thải bình quân đầu người lên tới 66,8% của thế giới. Ngoài ra, Tốc độ tăng phát thải CO2 rất cao, riêng năm 2019 tăng 20,6% và trong giai đoạn 2008 - 2018 tăng bình quân 8,5%/năm, cao gấp gần 8 lần mức tăng của Thế giới (Nguyễn Cảnh Nam, 2020).
Trong khi đó, các nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực xanh cũng như thực hành về lĩnh vực này ở Việt Nam còn tương đối hạn chế, không chỉ về quy mô mà còn với số lượng khá khiêm tốn và mới chỉ bó hẹp trong một số ngành hẹp như du lịch, khách sạn.
Theo ThS Nguyễn Thị Tú Quyên, Trường Đại học Thương mại, qua kết quả khảo sát, nghiên cứu trong các doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, quản trị nhân lực xanh đã bước đầu được quan tâm. Các doanh nghiệp đã đề cập đến giá trị môi trường trong thông báo tuyển dụng nhằm tác động đến nhận thức của người lao động. Doanh nghiệp cũng ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động và một số doanh nghiệp đã đi vào "Phân tích, xác định thái độ, kĩ năng và kiến thức của nhân viên về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường", từng bước đào tạo nội dung xanh. Đặc biệt, việc đãi ngộ nhân lực xanh đã được thực hiện lồng ghép vào các hình thức đãi ngộ khác; một số doanh nghiệp đã chú trọng đến việc tạo ra môi trường làm việc an toàn và tham gia các chương trình vì môi trường phù hợp.
Tuy nhiên, việc thực hiện quản trị nhân lực xanh trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn chưa quan tâm đến việc thực hiện quản trị nhân lực xanh; chưa có một quy trình tuyển dụng nhân lực xanh rõ ràng, đầy đủ; Thiết kế công việc xanh, phỏng vấn trực tuyến để giảm thiểu mọi tác động tới môi trường liên quan đến di chuyển" chưa được các doanh nghiệp lựa chọn. Ở hầu hết doanh nghiệp, hoạt động đào tạo nhân lực xanh cũng chưa được chú trọng, nhất là việc triển khai đào tạo phương pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, tái chế. Việc sử dụng tiêu chí xanh là tiêu chí đánh giá nhân lực xanh tại các doanh nghiệp hầu như chưa được thực hiện. Đãi ngộ nhân lực xanh trong các doanh nghiệp còn ở mức không rõ ràng, chưa thực sự đầu tư thích đáng cho các giải pháp môi trường làm việc xanh.
Từ thực trạng này, các đại biểu nêu kiến nghị, để nâng cao kết quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có kiến thức và kỹ năng về sống xanh; tập trung vào đào tạo kiến thức và kỹ năng xanh hoá cho người lao động, tạo cơ hội để họ áp dụng các kiến thức về bảo vệ môi trường trong công việc; đưa các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, tái chế… vào hệ thống tiêu chí đánh giá sử dụng nhân lực; đồng thời xây dựng chiến lược về môi trường bao trùm mọi hoạt động của doanh nghiệp.