Công quyền đùa giỡn, hay quản lý nhà nước kiểu hên - xui ?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 16:43 - 12/12/2015
Để có một phát minh, sáng chế, các nhà khoa học phải lao tâm, khổ tứ, chăm chút thực hiện hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn, hàng vạn thí nghiệm. Như trong nghề dược, để có một vắc xin, một loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, các nhà khoa học không chỉ mất nhiều năm chế ra thuốc, mà còn ròng rã với thời gian dài thí nghiệm trên động vật, thậm chí có nhà khoa học còn lấy bản thân mình làm vật thử, vậy mà nhiều dược phẩm vẫn còn có sai sót.
Phần lớn những cán bộ cấp huyện, thị xã hiện nay được đào tạo bài bản, với bằng cấp, chứng chỉ đầy mình, chứ không phải mới học cấp1, cấp 2 như thời chống Pháp, chống Mỹ. Khi đăng đàn ở bất kỳ lĩnh vực nào, họ nói rất đúng sách, đúng bài, trôi chảy từ chủ trương, đường lối của Đảng đến pháp luật, chính sách của Nhà nước. Nhưng tiếc rằng, khi thực thi công vụ, nhiều trường hợp họ lại bất chấp “sách vở”, quy luật, đặt ý chí chủ quan cá nhân lên hàng đầu.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Như việc cụ thể tại Cửa Lò. Nếu ông Bí thư Đảng ủy phường là người thực tài, có tố chất quản lý, năng lực về giáo dục, được cấp trên quan tâm, đồng nghiệp ủng hộ có thể làm tốt trách nhiệm của trưởng phòng GD&ĐT thị xã, và còn làm tốt hơn người tiền nhiệm. Nhưng đó mới chỉ là giả thiết, còn thực tiễn, các ông, các bà có thẩm quyền bổ nhiệm có dám khẳng định, ông Bí thư Đảng ủy phường sẽ làm tốt, hay lại chờ... thời gian trả lời!. Bây giờ mà nói, ngồi vào ghế trưởng phòng mới học làm quản lý theo chức vụ được giao là lố bịch; là kéo cuộc sống hiện tại quay về những năm cuối 40-50 của thế kỷ trước
Vụ việc trên, làm cho công luận thêm phần “dậy sóng”, bởi sự “án binh bất động” của lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cũng như của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Hình như các cơ quan trên coi đó là chuyện nội bộ, chuyện riêng biệt của thị xã Cửa Lò.
Dẫu là ở một đơn vị nhỏ, hay một ngành lớn, người đứng đầu đều có vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đơn vị, cơ quan, của ngành. Người xưa có câu: “Một người lo bằng cả kho người làm”. Người đứng đầu năng lực quản lý, trình độ chuyên môn hạn chế sẽ “lái con tàu” của đơn vị, của cả ngành về đâu?. Không biết các nhà lãnh đạo của thị xã Cửa Lò đã lường hết chưa, hay lại trông chờ vào hên-xui?.
Thiết nghĩ, chuyện trên không phải của riêng Cửa Lò, không phải của riêng ngành giáo dục và đào tạo. Ở địa phương, ở ngành nào cũng vậy, mỗi vị trí công tác cần phải được bố trí đúng người, đúng việc. Đừng nên gượng ép, nhất là đừng lấy chính sách luân chuyển để bắt cán bộ làm việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ cũng như sở trường, sở đoản của mình.