Cầu thị, lắng nghe để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 16:14 - 07/11/2015
Tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục-đào tạo
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực 2011-2015, nhấn mạnh: Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo... Ngay sau khi có Nghị quyết số 29, Chính phủ đã hết sức nỗ lực triển khai thực hiện, đã cụ thể hóa thành chương trình, hành động cụ thể từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành hữu quan.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục đã có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục... Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là phải thực hiện hiệu quả hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, bởi một trong những công tác có ý nghĩa quyết định, suy cho cùng chính là yếu tố con người, là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực-yếu tố có vai trò quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Đề cập đến hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, Thủ tướng cho rằng đây là hai nội dung có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội hoàn thiện báo cáo về hệ thống giáo dục quốc dân cũng như về khung trình độ quốc gia. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới cũng như đề xuất phương án thực hiện đảm bảo được tính khả thi; đồng thời làm rõ sự cần thiết xây dựng khung trình độ quốc gia, nhất là về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; phạm vi và cấu trúc của khung trình độ quốc gia...
Cầu thị, lắng nghe để điều chỉnh
Về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trước hết phải xây dựng, phải xác định được chương trình, sau đó mới có sách giáo khoa; tuy nhiên đây là hai yếu tố không thể tách rời mà phải luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau; yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiêu quả công tác đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp, sát thực tế theo đúng tinh thần mà chủ trương của Trung ương đã xác định về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, Thủ tướng cho biết: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ về những mặt được, những mặt còn hạn chế của kỳ thi với tinh thần hết sức cầu thị, nghiêm túc; đồng thời cũng đã báo cáo về nội dung này trước Trung ương. Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ GD&ĐT xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy của năm 2016.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “Phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực. Tổng kết thực tiễn, những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những hạn chế, yếu kém phải khắc phục, đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia của năm 2016”.