THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:32

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, ngày 31/10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi. Ngay sau khi nghe các Tờ trình, các đại biểu QH về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). 

 Thể hiện sự đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp 

Trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dự thảo Luật được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Tờ trình dự án Luật cũng khẳng định việc sửa đổi Luật này là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật. Hiện, cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Việc sửa đổi lần này góp phần thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 137 Điều. Dự thảo Luật đã thể hiện sự đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước. “Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công…”- Bộ trưởng ĐInh Tiến Dũng khẳng định.

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH nhấn mạnh quan điểm cần phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, các loại tài sản công được đầu tư từ ngân sách Nhà nước sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành sẽ chỉ nhằm phục vụ mục đích quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công, không được đưa vào kinh doanh. Chính phủ tổ chức sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã được giao bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn. Tài sản công không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định phải được thu hồi đưa vào khai thác thương mại để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Đi vào từng nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả. Đa số ý kiến trong Uỷ ban đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung, tức là giao một bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương, còn mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương. Mô hình quản lý này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Sửa lại tên luật: “Luật quản lý, sử dụng tài sản công”

Ngay sau khi nghe các Tờ trình, các ĐBQH về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian vừa qua. 

Về tên gọi của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với việc sửa lại tên luật như Tờ trình của Chính phủ là: “Luật quản lý, sử dụng tài sản công” để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Theo ông Cảnh, sử dụng cụm từ "tài sản công" thể hiện được đó là tài sản của đất nước, của nhân dân chứ không phải của một tổ chức hay cá nhân nào. "Tài sản công rộng hơn, bên cạnh đó cũng thể hiện được thêm trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân đối với tài chung của đất nước"- ông Cảnh phân tích. 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh