Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm còn nhiều bất cập
- Bài thuốc hay
- 23:19 - 16/01/2017
Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm việc, đầu tiên họ thấy ổn định và hài lòng. Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam cho thấy, kết quả điều tra cũng chỉ ra những vấn đề dai dẳng như sự không phù hợp với yêu cầu công việc, chưa tận dụng hết tiềm năng lao động và việc làm chất lượng thấp đối với thanh niên Việt Nam từ 15 đến 29 tuổi.
Tư vấn việc làm cho thanh niên
Được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kết quả điều tra mới được công bố cho thấy, mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn và thời gian chuyển tiếp sang thị trường lao động của thanh niên. Lao động có trình độ trung học phổ thông cần thời gian dài hơn – trung bình là 17,8 tháng để tìm được công việc đầu tiên họ thấy ổn định và hài lòng.
Điều tra cũng chỉ ra rằng, 26% lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn yêu cầu công việc mà họ đang làm. Đồng thời, trình độ thấp hơn yêu cầu trong lao động trẻ vẫn là một vấn đề tại Việt Nam và 23,5% lao động trẻ nằm trong nhóm này.
"Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang chưa tận dụng hết tiềm năng, năng suất của nhiều lao động trẻ, mặt khác lại không thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa của mình bởi họ tuyển dụng lao động thiếu khả năng." - Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee giải thích. "Sự không phù hợp với yêu cầu công việc có thể tạo ra gánh nặng lên từng cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội."
Theo kết quả báo cáo, gần hai phần ba sinh viên trong năm 2015 cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước, chủ yếu là do sự hấp dẫn của công việc ổn định.
Chưa tận dụng hết tiềm năng lao động và việc làm chất lượng thấp
Mặc dù đang trên đà giảm, báo cáo ghi nhận tỷ lệ không tận dụng được hết tiềm năng của lực lượng lao động trẻ vẫn ở mức cao 43% trong 2015 so với 47% trong 2013. Khái niệm không tận dụng được hết tiềm năng lao động bao gồm những người thất nghiệp, những người không tham gia hoạt động kinh tế nhưng cũng không đi học, hoặc những người làm những công việc không thường xuyên (các công việc tự làm hoặc làm các công việc với hợp đồng ngắn hạn).
Trong khi đó, với những lao động trẻ có việc làm, chất lượng việc làm không đảm bảo vẫn đang là rào cản lớn để Việt Nam cải thiện năng suất lao động.
Mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, hơn một phần ba thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự do hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.
Khoảng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức – những công việc thiếu tiếp cận bảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động.
"Tuy Việt Nam không có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở mức báo động như nhiều nước khác, việc đảm bảo việt làm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn của đất nước," Giám đốc ILO Việt Nam nhận định. "Nhiều lao động trẻ đang ở trong tình trạng không được bảo vệ ở nơi làm việc, đồng thời nhiều người khác cũng không tìm được những kiến thức, kỹ năng phù hợp từ ghế nhà trường để làm việc trong thị trường lao động hiện tại."
Ông kêu gọi tăng cường sự phối hợp giữa Chính phủ, công đoàn và doanh nghiệp nhằm để đẩy mạnh phát triển việc làm cho thanh niên vàphát triển kinh doanh với khu vực tư nhân là đầu tầu kiến tạo việc làm.
Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILO được thực hiện tại 53 quốc gia từ năm 2012 đến 2016 và khảo sát hai lần tại một số nước. Tại Việt Nam, đợt đầu tiên được thực hiện trong năm 2012-2013 với mẫu khảo sát là hơn 2.700 thanh niên và đợt thứ hai trong năm 2015 với hơn 2.200 mẫu khảo sát.
Hoạt động này là một phần của Dự án Việc làm cho thanh niên (Work4Youth) – một cơ chế hợp tác giữa ILO và Quỹ MasterCard – nhằm sản xuất thông tin thị trường lao động tốt hơn về chất lượng và tăng về số lượng, phục vụ cho thanh niên tại các nước đang phát triển, đặc biệt tập trung vào quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động.