Quá mệt mỏi với công việc? Nghỉ việc có thể không phải là giải pháp tối ưu
- Bài thuốc hay
- 15:15 - 04/07/2020
Simon Sinek là tác giả của nhiều cuốn sách best-selling về nghệ thuật lãnh đạo, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp và xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh. Mặc dù Sinek luôn cổ vũ mọi người hãy theo đuổi những công việc mà họ yêu thích, ông không hề khuyến khích việc từ bỏ công việc ngay khi bạn cảm thấy chán nản. Dưới đây là danh sách các bước mà Sinek khuyến khích những ai đang cảm thấy chán nản khi làm việc nên cân nhắc trước khi nộp đơn xin thôi việc.
1. Nếu bạn mới chỉ làm việc được ít hơn 6 tháng, đừng vội vã nghỉ việc.
Theo Sinek, ít nhất 6 tháng là khoảng thời gian cần thiết để một người thích nghi với công việc mới. Do đó, nếu bạn mới đi làm được vài tháng và cảm thấy mệt mỏi hay áp lực, đó có thể là do bạn vẫn chưa quen với guồng quay của bộ máy. Vào lúc này, bạn cần thêm thời gian để xác định cảm xúc của bản thân thay vì bỏ cuộc dễ dàng như vậy.
2. Nếu bạn đã làm việc được hơn 6 tháng và vẫn cảm thấy chán nản, hãy dành thời gian suy xét các nguyên nhân khác. Đối với những người mới đi làm, hãy nhìn lại thái độ làm việc của bản thân.
Đôi lúc, cách bạn nhìn nhận công việc ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn khi làm việc. Nếu bạn chỉ coi công việc là một công cụ kiếm tiền và chỉ muốn hoàn thành chỉ tiêu được giao, vậy thì dù bạn có nhảy việc bao nhiêu lần, bạn cũng khó lòng tìm thấy sự thỏa mãn.
Bên cạnh đó, thái độ làm việc của bạn quyết định cách bạn được/bị đối xử ở công sở. Không ai muốn làm việc cùng hay quan tâm đến một người không có chí cầu tiến, do đó bạn sẽ cảm thấy bị cô lập, thậm chí là coi thường bởi đồng nghiệp, dẫn đến gia tăng áp lực.
3. Hãy nghĩ đến mọi yếu tố dẫn đến sự chán nản khi đi làm.
Hãy nghĩ đến điều gì đang làm bạn nản lòng nhất, chán ngán nhất mỗi sáng thức dậy. Liệu có phải bạn ghét công việc bạn sẽ phải làm? Bạn không hài lòng với cách cư xử của đồng nghiệp? Hay bạn không muốn gặp cấp trên và cảm thấy như cực hình khi phải họp mặt với họ?
4. Hãy coi cấp trên của bạn như một con người thay vì một vấn đề.
Phần lớn các trường hợp gặp chán nản trong công việc là do bạn không phù hợp với phong cách làm việc của cấp trên, dẫn đến sự ức chế trong công việc và cảm giác chán nản. Tuy nhiên, đừng coi người lãnh đạo của bạn là một vấn đề - hãy nhìn họ như một con người. Có thể họ gay gắt với bạn vì bản thân họ cũng đang gặp áp lực trong cuộc sống. Có thể họ không hiểu thế mạnh của bạn hoặc không biết cách phối hợp với bạn sao cho đôi bên cùng thoải mái và đạt hiệu quả cao hơn. Việc tìm hiểu phong cách làm việc của họ và tìm cơ hội thảo luận những vướng mắc là một cách giúp bạn thoát khỏi tình trạng bế tắc mà không cần phải mạo hiểm công việc của mình.
5. Bạn có thể tự tạo nên môi trường làm việc mà bạn mong muốn.
Thay vì chỉ than thở rằng môi trường làm việc quá khắc nghiệt, bạn có thể thử tạo nên sự thay đổi. Bắt đầu bằng việc kết nối và giúp đỡ đồng nghiệp của bạn, đặc biệt là khi họ cũng gặp vấn đề tương tự như bạn. Bạn có thể là người tạo ra sự thay đổi và kích thích những người khác thay đổi theo. Từ đó, tất cả mọi người sẽ có được môi trường làm việc lành mạnh hơn.
6. Hãy kiên nhẫn vì sự thay đổi không xảy ra chỉ trong một đêm.
Giống như mọi mối quan hệ xã hội thông thường, quan hệ giữa bạn và nơi làm việc không thể cải thiện chỉ trong một sớm một chiều. Bạn cần từ từ hóa giải những khúc mắc mà bạn đang gặp phải trong công việc, thử các giải pháp khác nhau để cải thiện tình hình và cho bản thân thời gian để nhìn thấy sự thay đổi.
7. Nếu bạn vẫn muốn từ bỏ, hãy dành năng lượng vào việc phát triển bản thân thay vì trách móc.
Nếu bạn tin rằng mối quan hệ giữa bạn và công việc không thể cứu vãn được nữa và bạn quyết tâm muốn ra đi, đừng phí thời gian vào việc than thở. Thay vì tiếp tục trách móc công việc hay hối hận về thời gian làm việc tại đó, bạn có thể dành năng lượng để phát triển các kĩ năng của bản thân và tìm kiếm cơ hội ra đi. Đồng thời, hãy biến những trải nghiệm tiêu cực thành bài học để không lặp lại chúng trong công việc mới.
8. Khi tìm kiếm công việc mới, đừng chỉ tìm kiếm một cách qua loa.
Nếu bạn đã thất bại một lần trong mối quan hệ với công việc thì khi đặt mục tiêu tìm kiếm công việc mới, đừng chấp nhận bất cứ việc gì. Nếu bạn vẫn giữ thái độ hời hợt qua loa như vậy, bạn sẽ khó có thể tìm thấy được công việc nào tốt hơn công việc cũ đang làm bạn chán nản. Hãy so sánh những cơ hội mà bạn tìm được với công việc hiện tại, tập trung vào những điểm mà bạn muốn cải thiện trong môi trường làm việc mới mà công việc hiện tại chưa đáp ứng được. Đó là cách để bạn thoát khỏi sự chán nản khi làm việc và tìm thấy một môi trường làm việc giúp bạn thỏa mãn.