THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:42

Chuyến thăm của sự hội tụ

Thưa ông vì sao Nhà Trắng gọi cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama là cuộc hội đàm lịch sử?

Vì đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ và phía Hoa Kỳ tổ chức đón tiếp với nghi thức cấp cao nhất. Chính vì vậy cái bắt tay giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng đã đánh dấu bước tiến lịch sử rất quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ  hai nước.

Ông Trần Văn Thái

Qua kênh đảng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trở nên toàn diện hơn

Tiến sĩ Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) có bài viết nhận định  chuyến thăm của Tổng Bí thư là bước cuối cùng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Vậy ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Tôi cho rằng đây là một nhận định chính xác. Nhìn lại quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa, có thể thấy, khác với các mối quan hệ khác giữa hai nước, quan hệ qua kênh đảng chưa có nhiều tiến triển. Chúng ta đều biết quan hệ giữa hai quốc gia thường thông qua nhiều kênh như: Chính phủ, nhân dân, hiệp hội đoàn thể quần chúng và kênh đảng.

Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, mãi đến gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam mới có quan hệ với Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tôi được biết gần đây, hai Đảng của Hoa Kỳ đã cử các đoàn đến thăm Việt Nam. Như vậy, thông qua kênh đảng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trở nên toàn diện hơn.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng trong 20 năm qua. Hai bên từng trải qua cuộc chiến tranh cực kì khốc liệt nay đã trở thành bạn bè và đối tác hợp tác toàn diện. Đây là bước tiến to lớn và là xu thế tất yếu của quan hệ hai nước. 

Theo ông, hai bên đã đạt được những bước tiến nổi bật, thực chất nào qua chuyến thăm này, cả trên bình diện song phương và đa phương?

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trong đó quan trọng nhất là cuộc hội đàm với Tổng thống Obama và đặc biệt là “cái bắt tay lịch sử” của hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục đã khẳng định rằng Hoa Kỳ đặc biệt coi trọng chuyến thăm này.

Điều này còn được thể hiện trong việc Nhà Trắng đã tổ chức đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cao nhất của chính quyền Tổng thống Obama hiện nay.

Về kết quả chuyến thăm, trên bình diện song phương, hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tôi muốn nhấn mạnh những điểm sau. Thứ nhất, về chính trị, hai bên đã đạt được những nhận thức rất quan trọng về những điểm tương đồng và những điểm còn tồn tại. Nói cách khác, thông qua các cuộc gặp và tiếp xúc của Tổng Bí thư, hai bên đã xây dựng được lòng tin chiến lược, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đặc biệt là giữa hai thể chế chính trị. 

Tôi cho rằng kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm lần này là hai bên đã thừa nhận lẫn nhau, công nhận sự khác biệt giữa hai thể chế chính trị, cho thấy hai đất nước với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau hoàn toàn có thể hợp tác vì lợi ích chung cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.

Qua các cuộc tiếp xúc với một loạt lãnh đạo, chính khách, giới học giả, người dân và báo chí Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chuyển đi những thông điệp rất mạnh mẽ về một nước Việt Nam năng động, đổi mới, đang hội nhập sâu rộng và là cơ hội để hợp tác kinh tế thương mại và thúc đẩy lợi ích song phương.

Thứ hai, hai bên đã kí rất nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, trong đó điển hình là Thỏa thuận hợp tác giữa Vietnam Airlines và Boeing hay Citibank sẽ mở chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, một bước tiến rất quan trọng trong quan hệ hợp tác tài chính thương mại giữa hai nước.

Hợp tác giáo dục cũng rất đáng chú ý với việc Việt Nam cấp giấy phép thành lập Đại học Fulbright mới, qua đó sẽ mở ra cơ hội cho hàng ngàn học sinh Việt Nam được tiếp cận với một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Thứ ba, hai bên đã đối thoại rất thẳng thắn và xây dựng về các vấn đề còn khác biệt, như vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo…

Trong Đoàn đại biểu tháp tùng Tổng Bí thư lần này có một số chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức. Chính điều này đã truyền đi một thông điệp rất quan trọng cho phía Hoa Kỳ, đó là Việt Nam luôn tôn trọng tự do tôn giáo và sẵn sàng đối thoại, trao đổi một cách cởi mở với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Cuối cùng cần phải nói đến hợp tác an ninh quốc phòng cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, như quan hệ giữa các nước lớn, an ninh phi truyền thống, gìn giữ hòa bình...

Hai bên có nhiều điểm tương đồng về hợp tác trong những khuôn khổ ở khu vực ASEAN, về an ninh, an toàn hàng hải và vấn đề Biển Đông. Những vấn đề này cũng đã được thảo luận công khai trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của cả khu vực và không để chống lại ai.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm về cử chỉ hòa giải trong chuyến thăm của Tổng Bí thư. Hiện ở Hoa Kỳ vẫn còn một bộ phận người mặc cảm với quá khứ. Qua chuyến đi này, chúng ta muốn chuyển đi thông điệp là người Việt Nam hãy gác lại quá khứ, cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước và quan hệ  hai nước.

Bên cạnh đó, thế hệ lãnh đạo ở Hoa Kỳ như ông John Kerry, John McCain là những thế hệ cựu chiến binh cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam, nay nắm giữ chức vụ trong chính quyền Tổng thống Obama. Vì vậy trong xử lý quan hệ với Việt Nam, họ luôn tích cực ủng hộ cho quan hệ hai nước. Tôi cho rằng đây cũng là dịp để chúng ta tìm kiếm thế hệ bạn bè mới ở Hoa Kỳ.

Xây dựng mối quan hệ gần gũi, qua đó xây dựng lòng tin

Trong bữa tiệc chiêu đãi Đoàn cấp cao Việt Nam, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden nói rằng ngoài mục đích tăng cường quan hệ giữa hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư còn góp phần “xây dựng quan hệ cá nhân”, qua đó xây dựng lòng tin. Ông có thể phân tích kỹ hơn hàm ý câu nói này?

Tôi hoàn toàn đồng ý với phát biểu của Phó Tổng thống Biden. Thông qua các cuộc gặp cấp cao này, cá nhân các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng xây dựng được các mối quan hệ gần gũi hơn, giúp hai bên hiểu nhau hơn.

Trong quan hệ đối ngoại giữa các nước thì quan hệ cá nhân có vai trò rất quan trọng, quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo cấp cao đôi khi có thể giải quyết được rất nhiều việc.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đạt được những việc chung của đất nước mà đã bắt đầu xây dựng được mối quan hệ cá nhân, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước. Đây là điều rất đáng quý.

Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có đề cập đến hợp tác giữa hai bên trong những vấn đề toàn cầu. Theo ông, cơ sở nào để hai nước mở rộng hợp tác trong các vấn đề này và nó có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Đúng như vậy, Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lần này không chỉ đề cập đến vấn đề hợp tác song phương mà còn hợp tác trong những vấn đề toàn cầu.

Cơ sở để hai nước mở rộng hợp tác trên vấn đề này là do trước đây Hoa Kỳ nhìn Việt Nam chủ yếu từ góc độ toàn cầu và khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ cũng chưa thực hiện chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.  Do vậy khi Việt Nam thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, cùng với đó là vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, Hoa Kỳ đã nhận thấy những tiềm năng to lớn này. Khi Hoa Kỳ thực hiện chính sách tái cân bằng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ đóng góp tích cực vào hòa bình ổn định của khu vực. Có thể thấy sự điều chỉnh chính sách của hai bên trong thời gian qua đã có sự giao thoa.

Bên cạnh các vấn đề song phương thì việc hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu là rất có lợi cho cả hai nước cũng như cho hòa bình ổn định của khu vực và thế giới. Ví dụ trong ASEAN và khu vực, nếu Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp tốt, duy trì được sự đoàn kết trong ASEAN, góp phần hình thành cộng đồng ASEAN, xây dựng một ASEAN vững mạnh, có quan điểm chung trong các vấn đề khu vực,  phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước thì sẽ không chỉ có lợi cho cả hai bên mà còn có lợi cho cả khu vực.

Về góc độ toàn cầu, việc Việt Nam phát huy vai trò tích cực trong Liên Hợp Quốc hay tham gia gìn giữ hòa bình là có lợi cho an ninh toàn cầu và hòa bình ổn định ở khu vực.  Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhận thấy những lợi ích này, hai bên đã quyết tâm mở rộng hợp tác song phương và đa phương để đáp ứng tốt hơn lợi ích của hai nước, vì mục tiêu chung hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn cảm hứng với người dân Hoa Kỳ

Qua những hình ảnh trên truyền thông về chuyến thăm, ông có cảm nhận gì về không khí đón tiếp của phía Hoa Kỳ dành cho Đoàn Việt Nam trong chuyến thăm này?

Có thể nói Việt Nam là nguồn cảm hứng rất lớn đối với nhiều người dân Hoa Kỳ, vì nhiều lí do, có người tò mò muốn biết Việt Nam thay đổi ra sao hay muốn nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam… Tựu chung lại họ đều rất vui mừng và mong muốn được nhìn thấy quan hệ  hai nước sang trang mới.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư không chỉ có tính biểu tượng lịch sử mà còn có tính đặc thù. Trên thế giới, hiếm có Tổng Bí thư một Đảng Cộng sản tới thăm Hoa Kỳ. Do vậy về phía Hoa Kỳ có sự háo hức, kỳ vọng, nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả là sự chân thành mong muốn chuyến thăm thành công tốt đẹp.

Thực tế những ngày qua, chuyến thăm của Tổng Bí thư đã vượt qua sự kỳ vọng của người dân Hoa Kỳ. Có thể thấy điều đó trong những khuôn mặt rạng rỡ, trong sự hoan nghênh nhiệt tình của họ, góp phần tạo nên không khí thẳng thắn, thân tình giữa hai bên.

Về góc độ truyền thông, số lượng bài viết ủng hộ quan hệ hai nước trong thời điểm hiện tại lớn hơn nhiều so với thời kỳ mới bình thường hóa quan hệ.

Chúng ta kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái nhiều hơn nữa, không chỉ ở tầm chiến lược mà còn trực tiếp phục vụ cho lợi ích cụ thể của người dân, doanh nghiệp, qua đó đưa quan hệ hai nước từ bàn đàm phán đến những lợi ích thiết thực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tuấn Dũng/Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh