Project Syndicate: Tại sao cả Mỹ và Covid-19 đều không thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu?
- Huyệt vị
- 02:04 - 09/04/2020
Theo ông Zhang Jun - Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Fudan và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, gần như chắc chắn rằng, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, nhiều chính phủ, mặc dù đang gánh nợ công khổng lồ, họ cũng đã cam kết củng cố sự vững chắc của nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có. Song, điều tốt nhất họ có thể hy vọng là ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế. Nếu họ khăng khăng hướng nội, dựng lên các rào cản, thay vì duy trì hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế - thậm chí mọi chuyện có thể diễn biến tệ hơn.
Sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc là đặc biệt quan trọng. Trước cuộc khủng hoảng năm 2008, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đã nhận được những nỗ lực thúc đẩy lớn từ hợp tác Trung-Mỹ. Cùng với đó là những hỗ trợ từ các biện pháp kích thích cá nhân (nới lỏng định lượng ở Mỹ và kích thích tài khóa quy mô lớn ở Trung Quốc).
Không may, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã nổ ra ngay lúc quan hệ song phương - cũng như hợp tác quốc tế rộng hơn của hai bên - đang ở điểm yếu nhất trong nhiều thập kỷ. Phía Mỹ cũng không cho thấy tình hình có xu hướng cải thiện.
Ngược lại, một số chính trị gia Hoa Kỳ ngay lập tức bám vào cuộc khủng hoảng Covid-19 để lập luận rằng không có quốc gia nào - đặc biệt là Trung Quốc - nên có vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu như vậy. Điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng và khả năng phối hợp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Project Syndicate cho rằng, Mỹ đã sai khi coi nhẹ tiềm năng của Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, cũng đã sai lầm khi hy vọng rằng đại dịch sẽ làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngay cả khi chuỗi cung ứng đa dạng hóa hơn sẽ giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất điện tử và máy móc và thiết bị. Họ không thể bị thay thế, ít nhất là không trong ngắn hạn.
Điều này không có nghĩa là vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không thay đổi. Một số lượng lớn các công việc sản xuất có giá trị gia tăng thấp đã được chuyển sang các nước láng giềng.
Ảnh: PS
Thay vì làm suy yếu vị thế của Trung Quốc, các biến cố của thế giới đã cho phép quốc gia tỷ dân này leo lên các nấc mới trên bậc thang giá trị gia tăng. Đồng bằng sông Dương Tử và tỉnh Quảng Đông - những khu vực từng sản xuất hàng may mặc và giày dép, và lắp ráp thiết bị điện tử - đã trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài. Kết quả là, thế giới bây giờ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, so với chiều ngược lại.
"Tôi tin rằng đại dịch Covid-19 sẽ củng cố sự phụ thuộc này, không chỉ bởi vì Trung Quốc đi trước nhiều tháng so với hầu hết các quốc gia (ít nhất là) trong việc xử lý virus và mở cửa lại nền kinh tế" - ông Zhang Jun đánh giá.
Để ngăn chặn đại dịch, các biện pháp kiểm soát hà khắc của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn, có thể có thể làm giảm 8-10% GDP trong quý đầu tiên. Nhưng các biện pháp đó cũng giúp nước này ngăn chặn sự lây lan tại thời điểm virus này bắt đầu lan sang phần còn lại của thế giới. Ngay giữa tháng 2, Trung Quốc đã bắt đầu làm việc trở lại để khôi phục sản xuất, trong nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, Trung Quốc đã tránh được tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán ở Mỹ, nơi các ca dương tính đang gia tăng nhanh chóng và việc đóng cửa chỉ mới bắt đầu.
Nhờ hành động kiên quyết, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên khôi phục tăng trưởng kinh tế, trong khi phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái trong suy thoái sâu sắc.
Không giống như sau cuộc khủng hoảng năm 2008, có vẻ như chính phủ Trung Quốc không cần lên kế hoạch chi tiêu đầu tư mới lớn hơn nữa. Cần phải tuân thủ các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hiện tại - bao gồm xây dựng lưới điện siêu cao áp, đường sắt cao tốc liên tỉnh và mạng 5G - trong khi thực hiện các bước khác để hỗ trợ phục hồi kinh tế và việc làm, như trợ cấp và miễn thuế. Với thâm hụt tài chính dưới 3% GDP, Trung Quốc chắc chắn có đủ năng lực thực hiện các biện pháp đó.
Những khoản đầu tư này sẽ giúp Trung Quốc xây dựng kinh tế dựa trên những tiến bộ gần đây trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm dữ liệu lớn big data, trí tuệ nhân tạo AI, Internet vạn vật IoT... Điều này sẽ tăng cường khả năng hội nhập của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Không một cuộc thương chiến nào có thể ngăn chặn quá trình trao đổi công nghệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Cả Mỹ và đại dịch Covid-19 đều không thể ngăn Trung Quốc mở thêm ngành dịch vụ hay trở thành điểm đến xuất khẩu ngày càng hấp dẫn cho các nền kinh tế tiên tiến và nền kinh tế thị trường mới nổi, vì thị trường của họ quá hấp dẫn. Các cơ hội thương mại, đầu tư và tăng trưởng mà cam kết hội nhập mà sự phục hồi của Trung Quốc tạo ra cũng có thể là cứu tinh cho các quốc gia gặp khó khăn "hậu Covid-19".