Nhiếp ảnh MPK: Người "giữ hồn" Đà Lạt
- Văn hóa - Giải trí
- 16:32 - 05/03/2015
Đặc biệt từ cái tên
“Nói đến MPK thì ở Đà Lạt ai cũng biết, nhưng bí ẩn trong cái tên đó thì không phải ai cũng biết. Với mình, mọi người chỉ đơn giản biết đó là MPK”. Anh mở đầu câu chuyện của mình như vậy. Tôi được anh giải thích về cái tên mà anh luôn cảm thấy gần gũi với mọi người. M (tức Micheal) là tên của anh gắn liền với công giáo, khi theo công giáo anh có tên là Michel Thắng. P (tức Phước) là tên gọi mà ba mẹ đặt cho anh từ nhỏ. K (tức khùng) là tên gọi mọi người hay gọi anh, họ cứ thấy anh ngày ngày đi bụi hết nơi này đến nơi khác nên gọi anh là khùng. Tôi hỏi anh có buồn không khi mọi người gọi anh là “Phước Khùng”, anh cười: “Không buồn đâu, khi trả lời điện thoại tôi vẫn xưng mình là khùng đấy thôi. Đó là tên thân mật, ai thấy hình dáng của tôi mà không cho là khùng cơ chứ, thôi người đời cho tên gì thì mình dùng tên đó, tên khùng cũng dễ thương đấy chứ”.
Bức ảnh trong bộ ảnh "Ứ" của NPK
Đến duyên trong nghề nghiệp
Anh bắt đầu cầm máy từ năm 1982, nay đã hơn 50 tuổi nhưng chưa bao giờ anh thấy chán việc đó cả. Anh đã có rất nhiều bộ sưu tập hình về nhiều chủ đề khác nhau của xứ sở sương mù như biệt thự cổ, hoa, thông, trăng, thiếu nữ… Anh tâm sự, Đà Lạt như một người mẹ hiền, người mẹ vẫn sống hiền hòa và ôm tất cả chúng ta vào lòng, vẫn ban cho ta những ánh nắng ấm áp để xua đi cái giá lạnh nơi đây, vẫn chắt ra cho ta những giọt sương tinh khiết.
Được mục sở thị những tấm hình của anh về Đà Lạt mới thấy được những vẻ đẹp tinh tế và huyền ảo của vùng đất xứ sở của ngàn hoa. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật nhưng anh vẫn chụp hình bằng máy cơ chứ không dùng máy kỹ thuật số. Anh có kiểu chụp hình lật ngược ống kính morman, đẩy xa tiêu cự ống kính để tăng sự hội tụ. Anh nói không thể thay thế máy cơ bằng máy kỹ thuật số trong thế giới nghệ thuật được, tư duy không thể thay thế bằng máy móc, phương tiện kỹ thuật càng tiên tiến càng tốt nhưng không thể thay cảm xúc tâm hồn, chỉ có máy cơ và tư duy cảm xúc mới chụp được những giọt sương cực nhỏ long lanh ti ti trên lá. Để chụp những giọt sương, giọt mủ ngo (nhựa thông), mắt côn trùng… anh Phước đã lật ngược ống kính tele với những đồ nối tự chế để ghi lại những vật nhỏ xíu ấy! Và anh có thể ngồi hàng giờ bên một con sâu, con nhện, sợi tơ… để tìm lúc thích hợp mà bấm máy ghi lại những khoảnh khắc quan trọng nhất. Có lẽ vì Phước có cái kiểu sáng tác khác người như vậy mà người đời gắn cho anh chữ “khùng” chăng?
Anh tâm sự rằng: Ở Việt Nam có lẽ anh là người đầu tiên chuyển hình từ phim sang kỹ thuật số. Anh không cảm thấy mệt mỏi khi rong ruổi hết ngày này qua ngày khác qua những con phố để chụp lại những khoảnh khắc đẹp của Đà Lạt. Anh luôn tìm thấy niềm vui khi những công sức anh bỏ ra được thu bằng những hình ảnh “độc”, dù đó là những hình ảnh rất giản dị nhưng hàm chứa những vẻ đẹp tinh túy. Đam mê nghệ thuật chụp hình trong anh không thay đổi nhưng lại luôn thay đổi vì với anh ngày nào cũng mới để có thêm những sáng tạo nghệ thuật. Trong gần nữa cuộc đời cầm ống kính anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ mà nghệ thuật không phải ai cũng cẩm nhận hết được cái đẹp chân chính và đồng tiền chi phối quá nhiều về cuộc sống. MPK bộc bạch: "Ở phải thì được trời đãi!. Đời tôi qua nhiều biến cố và chỉ được cứu trong tích tắc. Nhưng tận cùng vẫn là nỗi đam mê. Tôi có một đồng thì tôi chơi ảnh theo kiểu một đồng. Khi tôi cần phải đầu tư cho một số hình tâm huyết mà túi rỗng thì tự nhiên có nhiều show đến mời đi chụp hình. Vì cần tiền, tôi hét giá cực đắt. Thế mà họ vẫn chấp nhận. Trời đãi là đãi như thế đấy! Hơn hai mươi năm cầm máy nhìn lại, tôi tự hào vì thấy mình đã sở hữu một gia tài nghệ thuật lớn".
Anh đã từng được trường Đại học Đà Lạt mời làm giảng viên cho các bạn sinh viên về nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh luôn sẵn lòng truyền đạt tất cả những gì tinh túy trong nghề nghiệp để các bạn sinh viên cảm nhận được những chân giá trị trong những tấm hình. Những ngày đi “săn” hình anh chẳng mang theo thứ gì phức tạp, trong balô chỉ có chiếc máy ảnh cơ hiệu Nikon SM2 của thập niên 70 đã cũ và những ống kính đã in dày những vân tay của anh. Mỗi tấm hình anh chụp được không chỉ là những khoảnh khắc đáng nhớ của Đà Lạt mà đó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang theo những giá trị nhân văn hàm chứa trong đó. Anh đã cùng với bạn bè triễn làm ảnh ở một số nơi, chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh nhiều người mới thấy ngưỡng mộ vì đó là những khoảnh khắc được nhìn nhận từ nhiều góc độ trong muôn mặt của cuộc sống.
Bức ảnh trong bộ ảnh "Ứ" của NPK
Và những trăn trở
Gắn bó với Đà Lạt, anh cảm nhận được những sự thay đổi của mảnh đất này qua năm tháng. Với anh, Đà Lạt bao giờ cũng đẹp mà không phải ai cũng cảm nhận hết được. Anh tâm sự: “Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều. Có đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ lại thấy buồn vì Đà Lạt ngày càng mất đi vẻ đẹp. Hồn Đà Lạt không thay đổi nhưng xác đã thay đổi quá nhiều. Rong ruổi qua các rừng thông mà tôi thấy đau quặn vì nó đã bị tàn phá quá nhiều. Thông ở đây đang kêu cứu nhưng không ai nghe thấy, mỗi giọt mủ (nhựa) thông chảy ra là tôi như thấy tim mình rỉ máu. Nhiều người lên tiếng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ thông nhưng họ không biết rằng chính thiên nhiên đang bảo vệ chúng ta, cuộc sống có vay có vay có trả và chúng ta sẽ phải trả giá khi thông vẫn bị chặt phá. Nếu thông cứ bị tàn phá thế này thì Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa”. Tác phẩm “Ứ” có 72 tấm hình khi thông bị đốn hạ, những giọt mủ (hay máu) đang chảy ra. Đó là thông điệp gửi đến những ai có trách nhiệm đừng để thông Đà Lạt phải rỉ máu nữa.
Anh còn xót xa bởi Đà Lạt hiện nay mức độ “bê tông hóa” làm mất nhiều vẻ đẹp. Trong khi đó những ngôi biệt thự cổ đang dẫn xuống cấp cũng làm mất đi nét đặc biệt ở đây. Biệt thự cổ là một nguồn tài sản vô giá nhưng các biệt thự đó đang trở nên hoang tàn và nhếch nhác, bởi những tác động của con người, những biệt thự cổ là những nét kiến trúc hài hòa tinh tế nhưng qua thời gian đang dần trở thành những phế tích. Là một người làm nghệ thuật, anh cũng cảm nhận tình yêu bằng một tâm hồn trong sáng. Anh vừa kết hôn với một người chỉ bằng nửa tuổi mình. Anh quan niệm tình yêu chính là sự khởi nguồn của cuộc sống, tình yêu không có sự phân biệt, không giải thích được hết nghĩa của tình yêu, tình yêu không bởi vì nên mới vì. Với anh, yêu càng nhiều thì chân lý càng xa, chân hạnh phúc chỉ đến với con người khi trong tâm không có sự phân biệt và trong trí không có sự kỳ thị đối đãi.
Anh là một người đặc biệt, từ cái tên, nghề nghiệp đến những trăn trở. MPK khi nào còn đi được thì anh vẫn đi tìm những khoảnh khắc đẹp của Đà Lạt. Anh là người giữ hồn cho Đà Lạt, là hiện thân của một người làm nghệ thuật chân chính. Tạm biệt anh, tôi cầu chúc cho anh sức khỏe để tiếp tục làm công việc đầy ý nghĩa mà anh vẫn đang đam mê và cháy hết mình cho công việc để hồn Đà Lạt vẫn còn trong những tấm hình của anh.
Một bức ảnh trong bộ ảnh "Ứ" của NPK