THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:23

Phục trang phim cổ trang Việt Nam: Tốn tiền tỷ vẫn bị chê

 

Sáng tạo trang phục… tùy hứng

Sau khi tạo hình các nhân vật trong “Tấm Cám: chuyện chưa kể” được công bố, có nhiều ý kiến khen chê trái chiều về trang phục của phim, váy áo của các nhân vật được cách tân, sáng tạo không đúng với lịch sử thời trang, không ăn nhập với trang phục của người Việt trong bất kỳ triều đại phong kiến nào. Theo chia sẻ của nhà sản xuất, ê kíp đã mất hơn 3 tháng để nghiên cứu, vẽ hơn 100 phác thảo thiết kế và chọn vải phù hợp cho tất cả các nhân vật từ vai chính đến quần chúng. Mỗi nhân vật trong phim đều có thiết kế trang phục mang dấu ấn riêng qua màu sắc, kiểu cách, chất liệu phù hợp với tính cách và câu chuyện. Số tiền đầu tư cho trang phục chiếm 1/10 tổng kinh phí làm phim.

Dòng phim giả tưởng không có mốc thời gian cố định như “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, “Lửa Phật”... sẽ dễ thiết kế phục trang hơn so với phim lịch sử, chính sử. Tuy nhiên, phục trang trong phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn vẫn bị chê là nặng nề, thiếu thẩm mỹ, sáng tạo trang phục tùy hứng. Trong phim này, Ngô Thanh Vân - nữ chính thường xuyên phải diện những áo giáp cồng kềnh trong bối cảnh nắng nóng. Nữ diễn viên từng chia sẻ, phục trang khiến cô khó cử động và khá mệt mỗi lần mặc.

Một tác phẩm có kinh phí lớn để kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” lại nhận chỉ trích nặng nề vì phục trang quá giống Trung Quốc. Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Thái Tổ trông cứ như... Đường Tam Tạng và Lý Thế Dân (Đường Thái Tông). Cuối cùng, phim đã bị hủy phát sóng vì không thể sửa lại cho thuần Việt hơn.

Tương tự “Thiên mệnh anh hùng” cũng bị cho là tương đối giống với Trung Quốc. Trong đó, phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh bị đem ra so sánh nhiều nhất vì màu sắc, thiết kế không khác nhiều với trang phục của Võ Tắc Thiên (phim Võ Tắc Thiên), Phượng Ớt (phim Hồng Lâu Mộng). Tuy nhiên, phim cũng xuất hiện nhiều bộ phục trang thuần Việt như trang phục của Hoa Xuân hay Hoa Hạ; Rồi bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” do Lý Hùng làm đạo diễn kiêm diễn viên chính có tư duy làm phim cũ kỹ, trang phục luộm thuộm, giống như cải lương hơn điện ảnh.

Phim cổ trang Việt Nam, dù đầu tư lớn, đáng tiếc là hầu hết trang phục không tuân theo bất cứ một quy chuẩn nào, không nghiên cứu các tài liệu lịch sử trong việc thiết kế phục trang. Bên cạnh những biến tấu lạ lùng, thậm chí không đúng với lịch sử, một số trang phục phim cổ Việt còn bị cho là quá gợi cảm so với thời đại. Đây cũng là vấn đề đau đầu nhất mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gặp phải khi thực hiện bộ phim “Mỹ nhân kế”. Yêu cầu mà anh đặt ra cho nhà thiết kế trang phục Công Trí là tạo hình đẹp, giống phim kiếm hiệp và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả, 200 bộ trang phục được hoàn thành, trong đó phục trang của 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị, Liễu Thị tượng trưng cho các tính cách khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên, phục trang phim “Mỹ nhân kế” vẫn bị chê về mức độ hở hang, gợi cảm quá đà.

“Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long” : Tạo hình, phục trang quá giống Trung Quốc.

Cẩu thả trang phục, ảnh hưởng nặng nề doanh thu

Bộ phim “Long thành cầm giả ca” tuy không gây được hiệu ứng phòng vé, nhưng là một bộ phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Trang phục của phim nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn do tính thuần Việt và sự kỳ công tìm hiểu lịch sử. Hay “Huyền sử thiên đô” cũng vậy, trang phục tuy không đẹp về phương diện thẩm mỹ nhưng được cho là tôn trọng lịch sử.

Nếu như “Tấm Cám: chuyện chưa kể” bị phản đối vì trang phục cách tân không ăn nhập với lịch sử thời trang các triều đại Việt Nam thì phim “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy lại bị đánh giá là quá cẩu thả trong tạo hình nhân vật lịch sử.

Bộ phim “Mỹ nhân” được Bộ VH-TT&DL đặt hàng để tái hiện lại thời kỳ Trịnh - Nguyễn. Ngay khi trailer được công bố, khán giả nhanh chóng nhận ra bộ quan phục do diễn viên Châu Thế Tâm mặc in hình giống nhân vật Vua Sư Tử trong phim “The Lion King” của Walt Disney. Giải trình về chi tiết này, đạo diễn Đinh Thái Thụy bày tỏ các chuyên gia phục trang đã làm việc rất kỹ lưỡng căn cứ vào lịch sử thực tế và đây chỉ là sự cố ở một vai phụ. Dù đã dùng kỹ xảo máy tính để trám những hình ảnh thay thế vào trang phục đó khi phim công chiếu, nhưng ê kíp vẫn vấp phải nhiều chỉ trích: Việc làm phim lịch sử thiếu cẩn trọng là lãng phí ngân sách nhà nước và tiền đóng thuế của nhân dân.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ: “Khi làm phim cổ trang, trang phục cổ xưa cần sáng tạo không chỉ là áo yếm, mấn, áo tứ thân mà còn nhiều loại trang phục khác. Phục trang sử dụng nhiều kỹ thuật may thêu cổ truyền của Việt Nam như thêu ruy băng, thêu chỉ nhưng được làm mới lại bằng chất liệu, màu sắc và hình họa tiết, bắt kịp xu thế thời trang thế giới". Stylist Hoàng Anh cũng khẳng định: “Dù vấp phải ý kiến trái chiều hay đồng thuận, chúng tôi vẫn chấp nhận và mong muốn được phát triển và khám phá, sáng tạo trong thế giới nghệ thuật”.

Các nhà làm phim thừa nhận, thiết kế và lựa chọn trang phục cho phim cổ trang là vấn đề đau đầu. Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim lịch sử nên không có kho lưu trữ trang phục cổ trang để tham khảo. Ngoài ra, chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về y phục của các thành phần xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Sự cẩu thả về phục trang không chỉ khiến bộ phim thất bại về mặt hình thức mà còn làm giảm hiệu quả của nội dung và thông điệp, ảnh hưởng đến doanh thu của phim. 

MAI CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh