THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:07

Phục hồi sau dịch: Khuyến khích chính sách “hút” người lao động

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Phủ rộng” vaccine: Việc làm từng bước phục hồi

“Với kế hoạch và tiến độ bao phủ vaccine cũng như tiếp tục các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tin tưởng và hy vọng không chỉ lao động mà sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung sẽ từng bước khôi phục”, ông Nguyễn Trung Tiến nêu rõ, tại họp báo tình hình lao động việc làm quý 3/2021 và 9 tháng năm 2021 diễn ra ngày 12/10.

Cho biết đại dịch đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III/2021, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) bày tỏ lo lắng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã cuốn đi 1/4 mức thu nhập bình quân tính theo tháng của nhiều người lao động vùng Đông Nam Bộ, nơi chịu tổn thương nặng nề nhất từ đại dịch.

Trong thời gian này, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.

Theo đó, thu nhập bình quân của lao động vùng Đông Nam Bộ - nơi chịu tổn thương nặng nề nhất từ đại dịch chỉ còn 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (-29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (-24,9%) so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thu nhập bình quân tháng của người lao động Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 5,8 triệu đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương để phòng Covid-19 suốt mấy tháng qua đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18% so với quý trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3/2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý 2/2021 và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý 2/2021 và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Làn sóng cạnh tranh tuyển dụng lao động sau dịch

Theo Tổng cục Thống kê, việc kéo dài giãn cách xã hội đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Theo đó, lao động có việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 nghìn người so với quý trước và giảm 960,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người giảm 2,3 triệu người so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm nghề nông.

Cụ thể, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 nghìn người so với quý trước và tăng 479,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, trong quý IV khi mở cửa trở lại thì doanh nghiệp rất quan tâm tới giải pháp phòng chống dịch của các địa phương để từ đó có sự chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển dụng lao động. Bởi sau dịch sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu lại lực lượng lao động, sẽ dẫn tới làn sóng cạnh tranh tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp. 

Đi liền với đó, Tổng Cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động để cải thiện bức tranh lao động.

Ngoài ra, cần công bố kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

“Do vậy, để thu hút ngược lại lực lượng lao động quay trở lại thì các doanh nghiệp, địa phương cần phải có chính sách đồng bộ, cụ thể như: chống dịch, mở cửa trở lại thì cần các điều kiện hoạt động ra sao; hoạt động giao thông, cung ứng, hàng hoá phải đồng bộ từ trên xuống dưới, để tạo niềm tin cho người lao động, để họ yên tâm và có kế hoạch quay trở lại”, ông Tiến phân tích.

Thành Công
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh