THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Phú Yên: Tạo việc làm cho hơn 3000 lao động từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Tạo việc làm, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách ưu tiên tập trung cho vay ở vùng nông thôn, vùng niền núi, vùng khó khăn...giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn đơn giản, thời hạn vay vốn phù hợp tạo điều kiện thuận lợi vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm ở nông thôn, tăng thêm thu nhập, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt trên 826 tỷ đồng, với 25.376 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo để đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động, hơn 2.400 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng hơn 9.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hơn 3.500 hộ vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh, 43 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở, 79 hộ có thu nhập thấp vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở. Hàng năm, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp trên 5 nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm trên 2%.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện hoàn thành 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới, như: giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, chi phí học tập học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và nhà ở hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới, 6 tháng đầu năm có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến 30/6/2020 là 55 xã, 2 huyện.

"Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, miền núi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giúp các huyện, thị xã, thành phố có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Kết quả dễ thấy nhất là tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 12,62% năm 2016 xuống còn 3,93% vào cuối năm 2019 và dự ước cuối năm 2020 còn 2,54%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra"-Ông Hồ Văn Thục đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Giải quyết hiệu quả việc làm ở nông thôn

Theo chân anh Trương Văn Vinh-Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn thuộc Hội Nông dân xã An Dân (huyện Tuy An), chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Trương Văn Trung và vợ là chị Trương Thị Bích Kiều ở thôn Phú Mỹ, làm nghề đan thúng. Để mở rộng phát triển sản xuất, chị Kiều đã được Tổ vay vôn địa phương xét duyệt đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy An cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm.

"Từ tháng 4 năm 2019, gia đình tôi được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng, lãi suất ưu đãi chỉ 6,6%/năm. Nhờ có thêm nguồn vốn, vợ chồng tôi đầu tư mua sắm thêm vật tư, có vốn gối đầu, tuyển thêm lao động trong thôn, mở rộng sản xuất. Từ chỗ chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho 2 vợ chồng trong gia đình, nay gia đình chị đã giải quyết thêm việc làm cho 7 lao động nữa trong thôn"- Chị Kiều cho biết.

Về thu nhập, theo chị Kiều, mỗi tháng bình quân gia đình bán ra khoảng 25 cái thúng cho ngư dân địa phương đánh bắt thủy hải sản và các tỉnh lân cận đặt hàng đánh bắt hải sản và đặc biệt là các điểm du lịch như Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng nay cũng đặt hàng mạnh để trang trí làm quán cà phê bồng bềnh, chèo thúng ở các lòng hồ...Doanh thu mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 14 triệu đồng/tháng. Đối với 7 lao động trong thôn, ngoài mùa vụ, những lúc nông nhàn đi làm tăng thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người.

Phú Yên: Tạo việc làm cho hơn 3000 lao động từ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 2.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy An, Tổ tiết kiệm vay vốn xã An Dân kiểm tra dự án vay vốn giải quyết việc làm nghề đan thúng gia đình chị Trương Thị Bích Kiều và anh Trương Văn Trung ở thôn Phú Mỹ

"Hiện nay do tình hình hình dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến khách du lịch nên một số khách hành ở vùng du lịch đặt hàng có giảm nhưng về lâu dài, nghề đan thúng hiện nay có hướng phát triển tốt. Gia đình tôi định mở rộng thêm cơ sở sản xuất nhưng vì mặt bằng ở nhà chật hẹp, nên mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê mặt bằng rộng rãi hơn để mở rộng sản xuất, thu hút giải quyết việc làm cho bà con nông thôn nhiều hơn nữa. Thứ hai là khi có cơ sở sản xuất rộng rãi, đầu tư khang trang, quy mô lớn sẽ giữ gìn và phát triển mạnh hơn nữa nghề truyền thống đan thúng ở thôn Phú Mỹ, qua đó cũng phát triển được điểm du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về nghề đan thúng tại địa phương, kéo theo việc phát triển các dịch vụ tại đây"- Chị Kiều chia sẻ nguyện vọng phát triển nghề đan thúng tại thôn Phú Mỹ.

Anh Trương Văn Vinh - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn thuộc Hội Nông dân xã An Dân cho biết thêm, ngoài gia đình chị Kiều, hiện nay ở thôn Phú Mỹ còn nhiều hộ gia đình vay vốn giải quyết việc làm phát triển nghề đan thúng, tạo việc làm cho gia đình khá hiệu quả. Như gia đình chị Đỗ Thị Diệu cũng vay vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng, tạo việc làm tại chỗ cho 2 vợ chồng, sau khi trừ chi phí 2 vợ chồng thu nhập khoảng 14 triệu đồng/tháng.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Chi nhánh đều báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách tín dụng mới. Điển hình như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay lên tối đa 120 tháng đối với một số chương trình; nâng mức cho vay xuất khẩu lao động, hỗ trợ tạo việc làm tối đa 100 triệu đồng/lao động và 2 tỉ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất kinh doanh…

Trong các chương trình cho vay, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm những năm qua được phát huy rất hiệu quả, đã giải quyết một phần nhu cầu vay vốn tạo việc làm tại địa phương đối với những hộ có thu nhập trên cận nghèo. Trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm gần 109 tỷ đồng với 3.015 hộ vay, mức cho vay bình quân 36 triệu đồng/hộ, tạo việc làm cho 3.015 lao động. Doanh số thu nợ hơn 44,8 tỷ đồng.

Phú Yên: Tạo việc làm cho hơn 3000 lao động từ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh 4.

Vay vốn giải quyết việc làm phát triển làng nghề bó chổi Mỹ thành xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa

Để có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn Trung ương, mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng hàng năm UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều quan tâm đến nguồn vốn tín dụng chính sách nên đã cân đối chuyển một phần ngân sách địa phương ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để phát huy nguồn vốn vay hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên còn phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể liên quan gắn công tác hỗ trợ vốn vay tín dụng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình cho vay giải quyết việc làm hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập và thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững.

Tính đến ngày 31/8/2020, nguồn vốn tín dụng của tỉnh đạt trên 252 tỷ đồng, với 8.046 hộ vay, tăng gần 64 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 33,85% và tăng 1.540 hộ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm Trung ương là gần 64,3 tỷ đồng, với 2.092 hộ vay; dư nợ nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động để cho vay là gần 80,6 tỷ đồng, với 2.451 hộ vay, tăng 32.616 triệu đồng và tăng 950 hộ so với đầu năm và dư nợ nguồn vốn do Ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là hơn 107 tỷ đồng, với 3.503 hộ vay, tăng gần 32 tỷ đồng và tăng 781 hộ vay vốn so với đầu năm.

"Nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm đã giúp một số làng nghề truyền thống như: Đan lát, thúng chai, bó chổi, làm bún... có điều kiện khôi phục và duy trì, nguồn vốn phát huy hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2020, Chi nhánh đã cho vay 3.015 dự án tạo việc làm 3.015 lao động, trong đó: lao động nữ là 1.886 lao động; lao động là người khuyết tật là 22 lao động; lao động là người dân tộc thiểu số là 18 lao động. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội"- Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đánh giá

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh