THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:37

Phú Yên: Nguồn vốn vay tín dụng chính sách góp phần giải quyết việc làm hiệu quả

Xác định công tác giải quyết việc làm cho NLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành đề án “Hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ tỉnh Phú Yên làm việc tại địa phương và làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025”, với mục tiêu tạo việc làm mới cho 4.700 lao động/năm.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, thời gian qua, công tác hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai kịp thời. Trong đó, nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) được xem là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm ổn định, bền vững.

8 tháng đầu năm 2023, 6.458 lao động vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Theo NHCSXH Phú Yên, qua 8 tháng năm 2023, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 290 tỷ đồng/6.458 lao động, dư nợ đến 31/8/2023 là 770 tỷ đồng/18.754 lao động, tăng so với năm 2022 là 173 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 140 tỷ đồng/3.050 lao động.

Riêng chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 được thực hiện vào đầu năm 2022. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP  về Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH Phú Yên Phú Yên triển khai thực hiện với dư nợ 140 tỷ đồng đã cho vay 3.050 lao động.

Tính chung giai đoạn 2021 - 2023, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã giải ngân tổng số tiền hơn 428 tỷ đồng, với 12.156 lượt NLĐ vay. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đã giải ngân tổng số tiền hơn 428 tỷ đồng, với 12.156 lượt NLĐ; nguồn vốn nhận ủy thác địa phương đã giải ngân tổng số tiền hơn 428 tỷ đồng, với 12.156 lượt NLĐ. Dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm đến 31/12/2022 gần 338 tỷ đồng, với 10.005 lao động, tăng hơn 207 tỷ đồng và tăng 2.928 lao động so với đầu năm 2021. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương hơn 65,6 tỷ đồng, với 1.895 lao động, tăng gần 111 tỷ đồng và tăng 1.392 lao động so với đầu năm 2021. Dư nợ nguồn vốn nhận ủy thác địa phương cấp tỉnh, cấp huyện gần 147,2 tỷ đồng, với 4.497 hộ vay, tăng gần 121 tỷ đồng và tăng 2.366 lao động vay vốn so với đầu năm 2021.

Doanh số cho vay NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương hơn 6 tỷ đồng (trong đó nguồn Trung ương 3 tỷ đồng, địa phương 3 tỷ đồng), với 195.160 lượt hộ vay vốn. Dư nợ đến 31/12/2022 gần 676 tỷ đồng, với 20.010 hộ còn dư nợ, tăng hơn 414 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Giai đoạn 2021-2022, Chi nhánh đã cho vay 12.156 NLĐ, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm đã giúp một số làng nghề truyền thống như: Đan lát, thúng chai, bó chổi, làm bún... có điều kiện khôi phục và duy trì, nguồn vốn phát huy hiệu quả. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Đàn bò của chị Trương Thị Lợi phát triển nhanh nhờ nguồn thức ăn tự nhiên từ đồng cỏ, rơm rạ có sẵn từ ruộng lúa.

Đàn bò của chị Trương Thị Lợi phát triển nhanh nhờ nguồn thức ăn tự nhiên từ đồng cỏ, rơm rạ có sẵn từ ruộng lúa.

Theo chân chị Trần Thị Bé, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn Khu phố 4, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Trương Thị Lợi cùng khu phố 4 với chị Bé. Chị Lợi trước đây làm kế toán Công ty Thiên Ân (kinh doanh phân bón). Nhưng vì điều kiện sản xuất kinh doanh của Công ty thu hẹp do dịch Covid-19, chị Lợi bị mất việc làm. Chị được địa phương xét cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm 50 triệu đồng vào năm 2021. Với số vốn này, Chị Lợi mua 2 con bò mẹ và con, nay bò nhà chị đã phát triển 5 con. “Nguồn thức ăn ở quê đã có sẵn đồng cỏ, rơm rạ nên không tốn kém gì mấy khoản chi phí thức ăn. Ngoài chăm sóc đàn bò, tôi còn phụ gia đình bố mẹ bán quán cà phê, chồng là tài xế xe khách thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng nên cũng đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Đàn bò gầy dựng là của để dành của gia đình. Năm 2024 đến thời hạn trả nợ, tôi sẽ bán một phần để trả nợ ngân hàng, số bò còn lại gia đình cố gắng chăm sóc để có được nguồn thu ổn định hàng năm cho gia đình”, chị Lợi chia sẻ.

Cũng như Chị Lợi, anh Nguyễn Phi Long ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) trước đây làm ở Công ty gỗ Trường Thành nhưng vì điều kiện sản xuất của công ty bấp bênh, thu nhập thấp nên anh nghỉ việc. Anh được địa phương xét cho vay vốn hỗ trợ việc làm 30 triệu đồng vào năm 2020, mua được 2 con bò, nay đã trả được 7 triệu đồng cho ngân hàng và có 3 con bò.

Anh Long chia sẻ, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo vì tôi bị mất việc làm, vợ bị bệnh nên thu nhập gia đình rất khó khăn. Nay được nguồn vốn chính sách tiếp thêm, gia đình có nguồn thu ổn định mỗi năm từ nuôi bò. Ngoài ra, gia đình còn làm thêm ruộng lúa, rảnh rỗi tôi đi bốc vác lúa vào vụ mùa mỗi ngày thu nhâp được 300 ngàn đồng. Hết vụ mùa, 2 vợ chồng đi bắt ốc bán cho người nuôi tôm hùm, mỗi tháng được 6 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình đã thoát nghèo vào năm 2020.

 Anh Nguyễn Phi Long đang chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm

Anh Nguyễn Phi Long đang chăm sóc đàn bò từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm

Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm những năm qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân, đặc biệt các hộ có thu nhập trung bình, hộ còn khó khăn kinh tế, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ... Nguồn vốn bổ sung và nguồn vốn thu hồi hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu vốn, chính quyền địa phương thường xuyên kiến nghị tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Từ những khó khăn trên, hàng năm NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương để kịp thời cho vay đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác 147,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh 91,5 tỷ, nguồn vốn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 55,7 tỷ đồng.

Các chính sách cho vay hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đã tham mưu, phối hợp tuyên truyền triển khai thực hiện kịp thời chính sách mới về cho vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất đối với người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chi nhánh đã thực hiện cho vay 19 người sử dụng lao động, tổng số tiền gần 5,3 tỷ đồng để trả lương cho 1.600 lượt lao động.

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, trong các chương trình cho vay, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm những năm qua được phát huy rất hiệu quả, đã giải quyết một phần nhu cầu vay vốn tạo việc làm tại địa phương đối với những hộ có thu nhập trên cận nghèo. Để có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn Trung ương, mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn nhưng hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều quan tâm đến nguồn vốn tín dụng chính sách nên đã cân đối chuyển một phần ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH cho vay đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để phát huy nguồn vốn vay hiệu quả, NHCSXH tỉnh Phú Yên còn phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể liên quan gắn công tác hỗ trợ vốn vay tín dụng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình cho vay giải quyết việc làm hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập và thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững.

Ông Hồ Văn Thục-Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên

Ông Hồ Văn Thục-Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên

Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để thực hiện mục tiêu mỗi năm giải quyết 4.200 lao động có việc làm mới tại chỗ tăng thêm và 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2025, cần tập trung huy động mọi nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có việc làm ổn định tại địa phương và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó xác định nguồn vốn cho vay là nguồn lực quan trọng, giúp NLĐ có việc làm nhanh, kịp thời và ổn định, đặc biệt là những NLĐ gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, được chính quyền địa phương tạo điều kiện bình xét vay vốn công khai tại nơi cư trú. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ NHCSXH là căn bản, giữ vai trò chủ đạo. Tập trung cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần tỷ trọng các nguồn vốn huy động tại địa phương, cụ thể: Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương; tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác bổ sung vào nguồn vốn NHCSXH.

Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn Trung ương và địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, ưu tiên cho vay ưu đãi đối với NLĐ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là NLĐ là dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng; người chấp hành xong án phạt tù... Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ các dự án giải quyết được nhiều lao động vay vốn, tạo việc làm mới ổn định tại địa phương, cho vay kịp thời người lao động có hộ khẩu thường trú tại Phú Yên có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, có nhu cầu vay vốn.

NGỌC MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh