THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:49

Phú Yên – Khánh Hòa ứng phó với bão số 4

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên cũng phát thông báo khẩn cấp, đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi, khu vực nuôi trồng thủy sản và các hoạt động vùng ven biển tỉnh Phú Yên có nguy cơ chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng; khẩn trương có biện pháp phòng tránh kịp thời. Cấp độ rủi ro thiên tai (cấp 3).

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cùng Đoàn công tác tỉnh kiểm tra, chỉ đạo di dời dân tránh bão tại các xã ven biển thị xã Sông Cầu

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cùng Đoàn công tác tỉnh kiểm tra, chỉ đạo di dời dân tránh bão tại các xã ven biển thị xã Sông Cầu

Sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão tại một số địa phương xung yếu ven biển. Ông Trần Hữu Thế cho biết: Toàn tỉnh Phú Yên có tổng số ô lồng nuôi trồng thủy sản là: 102.523 ô lồng/2.516 bè/5.605 lao động.

Chỉ tính riêng thị xã Sông Cầu đã có 82.696 ô lồng/2.018 bè/với 4.780 lao động. “Ngoài việc tập trung di dời dân ven bờ trong vùng nguy hiểm, tỉnh cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị, vận động đưa hết trên 5.600 lao động đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ trước khi bão tới. Đây là mệnh lệnh phải thực hiện"..., ông Trần Hữu Thế nói.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, trong những ngày qua, địa phương đã vận động hướng dẫn ngư dân chằng néo, thả trệt lồng nuôi thủy sản xuống sát đáy để đảm bảo an toàn khi có mưa bão.

Các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai gia cố, đảm bảo an toàn các công trình đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang… có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời địa phương tăng cường vận động, kiểm tra kiểm soát đưa toàn bộ 4.780 lao động trên các lồng bè vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tổng phương tiện nghề cá của tỉnh có 4.107 tàu/24.600 lao động. Đến sáng 27/9, có 309 tàu cá/1.861 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Trong đó hoạt động xa bờ 285 tàu cá/1.731 lao động (khu vực quần đảo Trường Sa và nam Biển Đông), nằm ngoài khu vực nguy hiểm; hoạt động gần bờ đi về trong ngày có 24 tàu cá/130 lao động (hoạt động khai thác thủy sản gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận).

Tất cả chủ các phương tiện đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru, chủ động di chuyển tàu cá ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc được về gia đình và Bộ đội Biên phòng.

Tại Phú Yên, trong công tác phòng chống bão số 4, thì việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương tại Phú Yên trong những ngày qua đã triển khai phương án sơ tán dân. Theo đó sơ tán khu vực ven biển do gió và nước biển dâng: 15.630 người; sơ tán dân do lũ, ngập lụt: 17.909 người; sơ tán dân khu vực lũ quét sạt lở đất: 2.582 người.

Tại thành phố Tuy Hòa, đến chiều 27/9, địa phương đã huy động các lực lượng, dùng khoảng 8.000 bao cát để gia cố các điểm xung yếu trên tuyến công viên biển để ứng phó cơn bão số 4. Thành phố đã triển khai sơ tán, di dời dân ở 16 phường, xã trên địa bàn, trong đó số hộ cần di dời là 1.534 hộ, di dời tại chỗ 1.170 hộ và 383 hộ cần sơ tán. Thành phố Tuy Hòa chỉ đạo các xã phường đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con vùng nguy cơ đi tránh bão.

Tại huyện Tuy An, địa phương cũng đã thực hiện sơ tán 442 hộ, với gần 1.120 nhân khẩu tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ triều cường, sạt lở đất...

Trên địa bàn huyện có hơn 1.000 tàu thuyền, trong đó có 81 tàu với hơn 420 lao động đang khai thác xa bờ, các tàu cá này đã vào nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương ven biển đã yêu cầu ngư dân chằng néo, thả trệt hơn 2.620 lồng nuôi thủy sản xuống sát đáy để đảm bảo an toàn khi có mưa bão. Đồng thời yêu cầu toàn bộ lao động trên các lồng bè vào bờ trú bão an toàn.

Tại các huyện miền núi Phú Yên: Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân để triển khai biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế; sẵn sàng các phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất; triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, kịp thời ứng phó các tình huống thiên tai gây ra, thông tin từ Báo Nhân Dân.

Kiểm tra ứng phó bão tại Cảng cá Hòn Rớ

Kiểm tra ứng phó bão tại Cảng cá Hòn Rớ

Báo Khánh Hòa đưa tin: Sáng 27/9, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra thực địa công tác ứng phó bão số 4 tại TP. Nha Trang.

Tại cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang thời điểm 8 giờ sáng ngày 27/9, hoạt động bốc dỡ cá từ các tàu lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương. Lãnh đạo cảng cá này cho biết, hiện tại cảng đang có 480 tàu thuyền lớn nhỏ cập bến. Các tàu cá đã ngừng ra khơi kể từ ngày 26/9. Đối với những tàu đánh bắt đang tiếp tục trở về, đến chiều 27/9 số lượng tàu tiếp tục tăng thêm. Ông Nguyễn Khắc Toàn đã trao đổi với một số chủ tàu, mong muốn ngư dân cùng với chính quyền địa phương và cảng cá sớm hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản, sắp xếp các tàu cá gọn gàng, chằng néo chắc chắn, di dời các tài sản có giá trị và rời khỏi các tàu cá theo quy định nhằm đảm bảo an toàn.

Tại khu vực thôn Thành Phát và thôn Thành Đạt của xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, nơi xung yếu về sạt lở đất, ông Nguyễn Khắc Toàn đã ân cần thăm hỏi, trao đổi với người dân nơi đây về những việc cần làm trước, trong và sau mưa bão. Qua trao đổi, người dân cho biết, trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền về cơn bão số 4, người dân đều đã nắm bắt thông tin và sẵn sàng cho việc di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. “Người dân chúng tôi đã sẵn sàng các vật dụng cần thiết. Chỉ cần thấy mưa to, gió lớn hoặc chính quyền yêu cầu là di chuyển ngay đến nơi an toàn. Thôn, xã cũng đã bố trí nơi ăn, chốn ở cụ thể”, một người dân ở thôn Thành Phát cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án ứng phó với gió bão, mưa lớn. Trong đó, tập trung vào việc nắm chắc diễn biến, tình hình mưa bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị, sẵn sàng di dời người dân khu vực xung yếu trên bờ, trên biển đến nơi an toàn. Những ngày qua, thành phố đã cùng với các xã, phường, thôn, tổ dân phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng, xe lưu động về tình hình, diễn biến của mưa bão để nhân dân nắm bắt, chủ động phòng tránh. Đối với các công trình trọng điểm, thành phố cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, trang thiết bị và công trình.

Ông Nguyễn Khắc Toàn trao đổi với người dân ở khu vực nguy cơ sạt ở tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang

Ông Nguyễn Khắc Toàn trao đổi với người dân ở khu vực nguy cơ sạt ở tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang

Trao đổi tại thực địa, ông Nguyễn Khắc Toàn đánh giá các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chuẩn bị các phương án ứng phó trước, trong và sau mưa bão một cách bài bản, đồng bộ và toàn diện. “Qua kiểm tra thực tế, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ đó, hầu hết người dân đều tự ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chủ động ứng phó và xử lý khi có tình huống xấu nhất là bão đổ bộ vào đất liền. Tôi mong muốn và đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc triển khai các phương án ứng phó một cách thực chất, có hiệu quả; đảm bảo an toàn tối đa tính mạng và tài sản của nhân dân, của nhà nước”, ông Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh.

PV (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh