THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:46

Quảng Nam gấp rút sơ tán người dân đi tránh bão Noru

Tỉnh đang gấp rút di dời người dân ở vùng thấp trũng, có nguy cơ sạt lở, cô lập… đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Tỉnh đang gấp rút di dời người dân ở vùng thấp trũng, có nguy cơ sạt lở, cô lập… đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo nhanh công tác triển khai ứng phó với bão số 4 (bão Noru) của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến 5h sáng nay (27/9),  tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là: 77 tàu/2.398 lao động, các tàu nhận được thông báo về bão số 4 (Noru). Tại khu vực Hoàng Sa hiện còn 9 tàu/100 lao động tàu đang di chuyển xuống phía Nam. Bộ đội Biên phòng đã giữa liên lạc và phối hợp với gia đình, địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa Hè Thu, riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569 ha diện tích lúa nước và 3.501 ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản còn khoảng 650 ha (thủy sản nước mặn/lợ), chủ yếu nuôi trên cát lót bạt ven biển và lót bạt vùng cao triều, nuôi ven sông đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu để tránh bão.

Về công tác sơ tán nhân dân, tỉnh Quảng Nam đang gấp rút di dời người dân trong sáng nay để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai &Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, số liệu tổng hợp của các địa phương trên địa bàn tỉnh tính đến 5h sáng nay (27/9), tổng số hộ dân dự kiến di dời là: 45.834 hộ/155.269 khẩu. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ/ 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ/87.841 khẩu.

Các huyện miền núi và vùng có nguy cơ sạt lở, cô lập trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai công tác dự trữ lương thực, thực phẩm. Trong đó, huyện Tây Giang dự trữ 180 tấn gạo (cho 10 xã: 100 tấn, các trường học: 80 tấn). Huyện Nam Giang dự trữ 36 tấn gạo (trang bị cho mỗi xã 3 tấn), tại các trường học 20,35 tấn, tại các hàng quán, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp 42,8 tấn.

Huyện Nam Trà My: 314 tấn gạo, trong đó dự trữ trong kho của huyện 5 tấn, tại các trường học 29 tấn, tại các thôn 13 tấn, tại cửa hàng tạp hóa 21 tấn, dữ trữ trong nhân dân 239 tấn. Huyện Phước Sơn: 23,6 tấn. Huyện Bắc Trà My: 13/13 xã, thị trấn thực hiện dự trữ 92.880 thùng mì tôm, lương khô các loại, 1.208 tấn gạo (tại cơ sở kinh doanh), ngoài ra, còn có nguồn lương thực tự đảm bảo tại các hộ dân.

Huyện Tiên Phước dự trữ trên 20 tấn gạo, 1.700 thùng mì tôm, 15.000 lít nước sạch (cho 15 xã). Huyện Nông Sơn, Đông Giang đã chỉ đạo xuống xã tự cân đối nguồn lương thực dự trữ.

Được biết, để triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa lũ, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 4, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; rà soát các kế hoạch, phương án phòng chống bão, lũ; bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân. 

Tổ chức thường trực 4 cấp, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão gây ra. Triển khai phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế tại vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, có kế hoạch sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ, đặc biệt là khu vực miền núi. Chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; kịp thời cử các đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường để hỗ trợ y tế cơ sở khi có yêu cầu. 

Bên cạnh đó, cung ứng đủ thuốc thiết yếu chữa bệnh cho nhân dân; kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… 

TÚ ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh