THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:00

Phú Yên: Cá nuôi chết hàng loạt, ngư dân trắng tay

 

Đến thời điểm này đã có 800 lồng nuôi cá mú, cá hồng bị chết, chiếm hơn 90% số cá nuôi, khiến người dân trắng tay. Nguyên nhân được xác định là do vi khuẩn Vibrio gây ra. Đây là hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

 

 

Vụ cá năm nay, gia đình ông Nguyễn Sanh ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An nuôi 6.000 con cá mú và khoảng 2.000 con cá hồng thương phẩm. Là hộ nuôi số lượng lớn nhất thôn Phú Lương, nếu thuận lợi thì doanh thu từ bè cá ước tính không dưới 200 triệu đồng. Thế nhưng, đến thời điểm này, sau 1 tháng xảy ra hiện tượng cá chết, số cá nuôi còn lại của ông Nguyễn Sanh chưa đến một phần mười.

Kế bên bè cá ông Sanh, ông Nguyễn Văn Thanh năm nay cũng thả 2.000 cá giống. Nhưng đến nay, cá trong lồng cũng đã chết gần hết. Số cá còn lại ông Nguyễn Văn Thanh đang cố gắng cứu chữa bằng các loại thuốc do ngành thú y và xã khuyến cáo.

Sau khi phát hiện cá chết, xã An Ninh Đông đã báo cáo ngành thú y triển khai các biện pháp xử lý. Đồng thời, lấy mẫu gửi Trung tâm Thú y vùng 4 xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cho biết, cá chết là do bị vi khuẩn gây ra, hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Ông Phạm Ngọc Tuấn nói: “Đối với xã, khắc phục môi trường bằng cách tổ chức thu gom rác thải tại thôn để bớt chất thải xuống sông. Đồng thời trong thời gian cá chết, xã có tuyên truyền vận động nhân dân cho thức ăn cá vừa đủ, không cho thức ăn dư, vệ sinh lồng bè, có thể đưa số cá còn sống còn lại đưa ra khu vực nước sạch hơn ở phía ngoài”.

Vùng nuôi này nằm sát khu dân cư. Cách đó không xa là hàng loạt hồ nuôi ốc hương, hồ nuôi tôm, hằng ngày xả thẳng nước thải ra đầm Ô Loan. Trong khi đó lưu lượng dòng chảy ở đây rất yếu do cửa biển Lễ Thịnh bị bồi lấp. Vậy là những bè cá tại đây phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, đến nay, đã có 72.000 con cá của 100 hộ đã chết, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng tôi quy hoạch vùng nuôi một là cửa ngoài của Lễ Thịnh, vùng 2 là phía trong âu thuyền của An Hoà và cửa phía Bắc của An Ninh Tây. Vấn đề quy hoạch để nuôi cá hoặc tôm hùm lồng bè, UBND huyện đề nghị tỉnh và sở, ngành có quy hoạch vùng nuôi. Huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, vận động bà con nhân dân thấy được thiệt hại kinh tế của mình, đồng ý với chính quyền địa phương chấp hành”.

Những thiệt hại nặng nề do hiện tượng cá mú, cá hồng nuôi bè bị chết hàng loạt là bài học trong công tác quản lý môi trường và kiểm soát quy hoạch vùng nuôi. Ngoài ý thức của người dân, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong công tác quản lý quy hoạch và kiểm soát môi trường vùng nuôi thuỷ sản.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh