THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:03

Phú Thọ: Nỗ lực phục hồi thị trường lao động, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Năm 2021, Phú Thọ có 16,6 nghìn NLĐ được tạo việc làm mới, trong đó tỉ lệ lao động nữ chiếm khoảng 48%, tương đương với gần 8 nghìn người. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Phú Thọ buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng mới đã làm ảnh hưởng lớn đến việc làm và xuất khẩu lao động. Chỉ tính trong năm 2021, có 160 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; 17 doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 8 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm khiến cho đời sống của hàng ngàn người lao động khó khăn.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ, đứng trước những khó khăn trên, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với chỉ tiêu tạo việc làm, đặc biệt ưu tiên sử dụng lao động của địa phương, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của người sử dụng lao động, nhu cầu nhân lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ủy thác của địa phương cho vay giải quyết việc làm.  Tăng cường giới thiệu cung ứng lao động cho doanh nghiệp đã phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh trở lại. Nhiều hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm qua trực tuyến qua website, facebook, thư điện tử và qua điện thoại đã được triển khai. Đặc biệt, Sở cũng chủ động tham gia phiên giao dịch online kết nối các tỉnh, khu vực phía Bắc tránh gián đoạn trong thời điểm dịch bệnh, tìm cơ hội việc làm cho người lao động. Đồng thời, liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên các trang thông tin giúp lao động chủ động tìm kiếm việc làm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ cũng đẩy mạnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về chính sách giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, thẩm định hồ sơ của 24 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện, thành, thị; hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho người lao động đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc; xác nhận các hợp đồng cá nhân đi làm việc nước ngoài… Theo đó, nhờ tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm với số lượng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp phục hồi thị trường lao động, nhiều lao động tìm được việc làm. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn cho 25.773/30.000 lượt người, đạt 86,9% kế hoạch năm. Trong đó 12.462 lao động đã có việc làm mới, tăng 25% so với cùng kỳ; tư vấn xuất khẩu lao động gần 1.100 người, đạt 43,88 % kế hoạch năm, bằng 101% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty trách nhiệm hữu hạn YIDA Việt Nam 2, Công ty trách nhiệm hữu hạn JH VINA- Khu công nghiệp Phú Hà, Công ty trách nhiệm hữu hạn JNTC, Công ty  JUNMA tại Khu công nghiệp Thụy Vân, Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Goodfaith, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Long - Thanh Thủy, Công ty trách nhiệm hữu hạn MECTECH VINA- Cụm công nghiệp Tử Đà... đã giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động. Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn YIDA Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hà mới đây cũng tuyển dụng được gần 2.300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc tư vấn, giới thiệu việc làm, tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm, chú trọng đến các dự án phi nông nghiệp để tạo nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Đến nay, đã có 448 dự án được vay vốn duy trì và mở rộng việc làm cho gần 800 lao động với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Các dự án được Quỹ hỗ trợ chủ yếu triển khai ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt. Bên cạnh đó, 4 đơn vị được vay với tổng số tiền trên 300 triệu đồng để trả lương cho hơn 200 lượt người lao động bị ngừng việc trong thời gian giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Nói về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Lân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phú Thọ cho biết, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường, Hội đã đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp thành viên cùng tương trợ lẫn nhau. Đó là giúp nhau tiêu thụ sản phẩm cùng ngành hàng hoặc có liên quan, tạo điều kiện cho các bên có nguồn thu và giảm bớt các chi phí lưu thông; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thế hệ trẻ… Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực hỗ trợ các doanh nhân nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiếp thị, tìm kiếm mở rộng thị trường để duy trì ổn định sản xuất, đón cơ hội sau những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển các loại hình doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch; khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục khai thác mở rộng thị trường lao động sang các tỉnh bạn có nhu cầu lao động lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh; đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo ông Dũng, tỉnh Phú Thọ cũng tập trung đầu tư mạnh để phát triển toàn diện cho hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao số lượng và bảo đảm về chất lượng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cấp huyện, cấp xã và trưởng các khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động tại các địa phương trong tỉnh, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đến năm 2025 đạt từ 72% trở lên, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt từ 30% trở lên; đưa tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%.

M.V
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh