Độc đáo lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô
- Văn hóa - Giải trí
- 22:47 - 05/04/2017
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Việt Trì Nguyễn Huy Hoàng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trao cờ lưu niệm cho 6 đội chải đến từ 5 đơn vị là những xã, phường ven sông trên địa bàn là: phường Bạch Hạc (gồm 2 đội: Bạch Hạc 1 và Bạch Hạc 2), phường Dữu Lâu, các xã: Sông Lô, Trưng Vương và Phượng Lâu.
Tham gia Lễ hội, mỗi đội chải gồm có 27 người, trong đó có 24 tay chải, 1 người gõ mõ làm nhịp, 1 người cầm lái và 1 người tát nước. Theo đó, các tay chải phải có thể lực tốt cùng kĩ thuật chèo thuyền điêu luyện.
Ngay sau đó, trong tiếng hò reo cổ vũ, 6 đội đã xuống thuyền bắt đầu cuộc đua chải xuất phát từ bến Đình Tam Giang, bơi về phía Cầu Việt Trì, đến điểm cảng dầu Hải Linh, qua điểm đền Thượng Thọ, phường Bạch Hạc rồi quay về điểm xuất phát ban đầu với tổng đường bơi là 3km.
Lễ hội bơi chải là một hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Tương truyền, đời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thuỷ quân, đóng chiến thuyền.
Sau hơn 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, Ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách, hàng phục chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật bằng ngoại giao hòa bình. Tại Đền Tam Giang, năm 1285, Ngài đã cùng Hứa Tông Đạo (1 môn khách của nhà Tống) tổ chức hội thề “Diệt giặc Thát báo đền nợ nước, ơn Vua”. Lãnh đạo quân dân ta 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thuỷ chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Ngày nay, lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng của Việt Trì - thành phố lễ hội về với cội nguồn.
Một số hình ảnh tại Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô: