THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:48

Phú Thọ đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững

Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tạo điều kiện về vốn, gia đình ông Đinh Văn Học đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu, bò, cho thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tạo điều kiện về vốn, gia đình ông Đinh Văn Học đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu, bò, cho thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Các chính sách và giải pháp được triển khai đồng bộ

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách và giải pháp được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện như: Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm...

Để nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp.

Theo đó, những người có khả năng lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác đã được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề. Giai đoạn 2016-2020, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp đạt gần 14.000 người; sau học nghề, khoảng 85% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.

Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Văn Học ở khu 2, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập chia sẻ: “Từ khi được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, được tạo điều kiện vay vốn và đường giao thông mở rộng, việc chăn nuôi của gia đình tương đối thuận lợi, giúp chúng tôi vươn lên thoát nghèo”.

Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng đúng, đủ, kịp thời cho trên 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng thường xuyên trên 350 người tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, toàn tỉnh thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 38.727 lượt người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ tiền điện, trợ cấp hàng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo... Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, người có công… với tổng số đối tượng hỗ trợ 219.241 người, tổng kinh phí 218.788 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, bằng nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ đã giúp các hộ nghèo có điểm tựa để vươn lên. Do đó, công tác giảm nghèo đã đạt kết quả khả quan, bảo đảm tính bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 46.000 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 10,51% năm 2016 xuống còn 4,34% năm 2020. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Tân Sơn được thực hiện hiệu quả, được Chính phủ xét duyệt, đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng

Thông qua các giải pháp về an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, được triển khai đồng bộ với nhiều loại hình. 

 

Không chỉ tập trung cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, toàn tỉnh cũng đã tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đến nay, 100% gia đình người có công có mức sống ổn định, bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của địa phương.

Hàng năm, hàng trăm lượt đối tượng được thụ hưởng chế độ điều dưỡng tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình; 100% người nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho gần 50.000 người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có sức lan tỏa mạnh mẽ, được duy trì thường xuyên với các chương trình như xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phát động rộng khắp tới các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho đối tượng chính sách, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.

Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10.275 nhà ở cho người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Bên cạnh đó, các cấp, ngành trong tỉnh, huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với người cao tuổi; duy trì thường xuyên và thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng, động viên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh