Phú Quốc - viên ngọc lấp lánh giữa biển khơi
- Văn hóa - Giải trí
- 20:26 - 18/03/2017
Nhận thức rõ vai trò và vị trí của mình, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo và tăng cường quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.
"Thiên đường" du lịch
Sở hữu nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam với nhiều đảo và các bãi biển với làn nước trong xanh, cát trắng, mịn và là nơi có núi rừng, sông suối, nhiều di tích mang đậm nét văn hóa nên Phú Quốc còn được mệnh danh là "Đảo ngọc" và là "thiên đường" du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế. Để phát triển du lịch, trong những năm qua, Phú Quốc cho tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái; hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch kết nối với các tỉnh, vùng, miền và các tỉnh giáp biên của Campuchia, Thái Lan. Sân bay quốc tế Phú Quốc cũng đã chính thức được đưa vào khai thác kết hợp với nhiều yếu tố nội lực khác của đảo, từ đó đã tạo sức bật cho du lịch Phú Quốc phát triển.
Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc
Bên cạnh đó, để phát triển ngành “công nghiệp không khói” này hơn nữa, Phú Quốc còn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho địa phương nên Phú Quốc đã thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đến đầu tư. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn xây dựng tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Có thể thấy, nhờ những chính sách đúng đắn đó lượng du khách đến Phú Quốc tăng trưởng vượt bậc, năm sau cao hơn năm trước. Theo báo cáo kinh tế - xã hội của huyện Phú Quốc, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến Phú Quốc là 189.803 lượt, lũy kế 02 tháng được 386.606 khách, đạt 21,24% so kế hoạch, tăng 60,58% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 52.500 khách, lũy kế 02 tháng được 102.039 khách, đạt 34,01% so kế hoạch, tăng 32% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 954 tỷ đồng, lũy kế 02 tháng được 1.987 tỷ đồng, đạt 17,82% kế hoạch so với cùng kỳ.
Chị Nguyễn Ngọc Oanh, một du khách đến từ TP.Cần Thơ cho biết, đến Phú Quốc, chị cảm thấy nơi đây như một “thiên đường”, bởi nó còn giữ được vẻ đẹp khá hoang sơ, yên bình, con người Phú Quốc thì thân thiện, khí hậu lại ôn hòa. Vì vậy, Phú Quốc là điểm đến rất lý tưởng cho gia đình chị trong những dịp hè.
Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh
Xác định, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược nên những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Quốc đã có nhiều chủ trương, giải pháp đưa địa phương phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế; trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) (nhất là kinh tế biển, đảo) và tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn là một giải pháp căn bản.
Thực tiễn cho thấy, Phú Quốc đã tận dụng tiềm năng, lợi thế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, tốc độ phát triển kinh tế của huyện không ngừng tăng. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức về nhiệm vụ QP-AN, Huyện ủy, UBND huyện còn chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác phổ biến, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ CB,ĐV và nhân dân. Hội đồng Giáo dục QP-AN thường xuyên được củng cố, hoạt động có nền nếp, đúng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng đúng quy định.
Trao đổi với báo Lao động và xã hội, đồng chí Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, chia sẽ: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN của Đảng ở một huyện đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Do đó, trong những năm qua Phú Quốc đã chú trọng kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo nền tảng bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Đặc biệt, Huyện ủy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc hoàn thành công tác rà soát, lập kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 806/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang “Về phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch và triển khai thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030”; thẩm định chặt chẽ và chỉ cấp phép cho các chương trình, dự án có hiệu quả cả về KT-XH và QP-AN.
Tính đến nay, nhiều Chương trình đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Các dự án, quy hoạch, như: quy hoạch xây dựng, mở rộng tuyến đường xuyên đảo; đường giao thông nông thôn ở thị trấn Dương Đông và các xã Cửa Dương, Gành Dầu, Dương Tơ; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; hồ chứa nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải; các công trình văn hoá, y tế, giáo dục, phát triển du lịch - dịch vụ kết hợp với trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo;… đã phát huy tác dụng trong thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm môi trường, tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN trên địa bàn.