Phụ nữ Việt bị lừa, gả bán cho người già, người tàn tật ở nước ngoài
- Dược liệu
- 13:53 - 04/03/2017
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người, nhưng tại Yên Bái vẫn có nhiều phụ nữ ở các địa bàn miền núi, vùng cao bị lừa bán sang bên kia biên giới. Trong khi trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, thì tội phạm mua bán người lại hoạt động ngày càng tinh vi. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng mua bán người ở Yên Bái có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay, thay vì phải lặn lội tìm đến các bản làng vùng cao dụ dỗ chị em phụ nữ, các đối tượng xấu đã sử dụng điện thoại và các trang mạng xã hội làm quen và dụ dỗ các nạn nhân.
Bắt giữ một vụ buôn bán người qua biên giới.
Đối tượng Đồng Thị Lệ mới đây bị Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ vì tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" khai nhận: “Đầu năm 2014, qua mạng xã hội tôi có quen 1 người rủ tôi sang nước ngoài làm, đến 3/2015, ông chủ tôi có nhờ tôi tìm người sang nước ngoài làm việc. Sau đó qua mạng xã hội zalo, facebook tôi có liên lạc với bạn tôi và rủ được 4 người sang bên đấy”.
Phần lớn các đối tượng mua bán người đã dùng những lời dụ dỗ đường mật để lôi kéo chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số đi theo mình. Do đời sống và kinh tế gia đình khó khăn, nên các nạn nhân không đắn đo, suy nghĩ, vội vàng đi theo với mong muốn kiếm được tiền để thoát nghèo.
Chị Giàng Thị Giang, thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: Có một người đàn ông lạ gọi điện thoại đến chuyện trò với chị, hứa hẹn sẽ giúp chị lấy chồng và có một cuộc sống nhàn hạ.
Tin tưởng vào những lời ngon ngọt của người đàn ông đó, chị đã bỏ chồng con để ra đi. Sau khi sang bên kia biên giới, chị đã bị mang đi nhiều nơi để giới thiệu cho những người già, người tàn tật, thậm chí là những người bị thần kinh. Phát hiện bị lừa, chị đã bỏ trốn về nhà sau 8 ngày lang thang bên kia biên giới: “Tôi đã tin vào điều đó nhưng sang bên kia lại trái ngược hẳn lại. Cuộc sống còn khổ hơn, khó khăn hơn, bị bán như món hàng khổ lắm. Bây giờ đừng có ai đi nữa, không đâu tốt bằng cuộc sống ở nhà mình đâu”.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, năm 2016, số nạn nhân ở tỉnh Yên Bái bị lừa đưa ra nước ngoài trái phép đã tăng lên hơn 60 người, gấp đôi so với năm 2015.
Trước sự liều lĩnh và ngày càng tinh vi của tội phạm mua bán người, lực lượng công an tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp nghiệp vụ.
Thượng tá Nguyễn Chí Cường, Phó trưởng phòng PA92 Công an tỉnh Yên Bái nói: “Lực lượng an ninh điều tra tích cực tập trung lực lượng để giải quyết, tăng cường công tác, phối hợp chặt chẽ từ cơ sở đến tỉnh, huyện, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra, phát trung phát động quần chúng nhân dâu tích cực tham gia vào trong công tác phòng chống tội phạm…”.
Để đấu tranh triệt để với loại tội phạm mua bán người, ngoài công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, thì cấp ủy, chính quyền, nhất là Hội phụ nữ các địa phương cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục và có hiệu quả hơn nữa đến người dân vùng cao về hoạt động và thủ đoạn của tội phạm buôn bán người, đặc biệt là với những chị em người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần quan tâm giúp đỡ các gia đình khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, không để cho các đối tượng xấu có cơ hội rủ rê, lôi kéo.