THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Phụ nữ Sóc Trăng giúp nhau xóa nghèo

 

Theo báo cáo của HPN huyện Trần Đề, hiện nay HPN các cấp trong huyện có rất nhiều mô hình giúp nhau thoát nghèo. Nhưng trong đó nổi bật nhất là phong trào hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập thông qua nhiều hình thức thiết thực. Trong những năm qua các cấp HPN huyện đã thành lập được hàng chục  nhóm phụ nữ tiết kiệm tương trợ giới thiệu việc làm tại chỗ, mở các lớp dạy nghề đan đát, đan lưới; tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên nghèo và thực hiện chương trình hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoải ra tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay hàng tỷ đồng cho hàng trăm hộ; vốn từ các chương trình, dự án khác hàng  tỷ đồng đã giúp cho hàng trăm hộ hội viên phát triển kinh tế gia đình.

 Nhờ được hỗ trợ vốn học nghè đan lát nhiều phụ nữ đã tự tạo được việc làm tại nhà 

Cùng với sự hỗ trợ vốn, HPN các cấp còn kết hợp hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và thu nhập ổn định. Nhờ những nỗ lực từ những mô hình, chương trình thiết thực kể trên đã giúp cho hàng trăm hội viên thoát nghèo. Trong phong trào này, HPN xã Thạnh Thới Thuận được HPN huyện đánh giá cao. Với 1.236 hội viên, HPN xã Thạnh Thới Thuận đã có nhiều hình thức, nhiều chương trinnh, mô hình hỗ trợ nhau thoát nghèo. Hội đã duy trì và thành lập được hàng chục Tổ phụ nữ tiết kiệm, với số vốn góp hàng trăm triệu đồng; 4 Nhóm phụ nữ hùm hũ gạo; 25 Nhóm phụ nữ tương trợ…Nhờ đó huyện Trần Đề là một trong những huyện đã giải quyết được tình trạng chị em phụ nữ bỏ gia đình, bỏ xứ đi làm ăn xa.

 Đan lưới một trong những nghề được nhiều phụ nữ theo học và nhanh chóng tìm được việc làm ổn định tại địa phương.

Tại huyện Thạnh Trị, nhiều chị em thoát nghèo nhờ mô hình hùn vốn tiết kiệm. Câu lạc bộ tín dụng tiết kiệm ấp 22, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị nay được chuyển thành Tổ hợp tác tín dụng tiết kiệm và ngày càng phát huy hiệu quả, đã đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn giúp cho nhiều chị em có cơ hội đầu tư vào sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tổ hợp tác tín dụng tiết kiệm ấp 22, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị hiện có hàng chục thành viên, hàng tháng vào ngày họp theo quy định mỗi chị em hùn vốn 10.000 đồng và vào mỗi vụ lúa hùn thêm 50.000 đồng, cứ thế số vốn nay lên tới hàng trăm triệu, bình quân mỗi chi em được vay khoảng 5  triệu đồng. Nhiều chị em đã thực sự sử dụng đồng vốn ít ỏi này một cách rất hiệu quả. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Tất, trước đây thuộc hộ rất nghèo, do thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê để kiếm sống. Từ khi nhận tiền vốn từ Tổ hợp tác tín dụng tiết kiệm, bà đã chuyển sang chăn nuôi heo và bò. Nhờ chăn nuôi heo và bò gặp thuận lợi, đến nay bà đã thoát nghèo và không chỉ hoàn được vốn vay, mà còn sửa được căn nhà khá khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Qua thực tế cho thấy hoạt động của Tổ hợp tác tín dụng tiết kiệm ở ấp 22, xã Thạnh Trị đã đáp ứng được mục đích là huy động nguồn vốn tại chỗ, hiện mô hình này đang được nhân rộng ở các cấp HPN tỉnh Sóc Trăng.    

      Chằm lá dừa nước là nghề góp phần giải quyết việc thường xuyên  cho hàng trăm lao động nữ nông thôn    

Là xã vùng sâu của huyện Kế Sách, người dân Ba Trinh chủ yếu sống bằng nghề nông, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Từ thực tế trên để tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, trong đó có các chị em, thời gian qua địa phương đã tổ chức nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả đáng kể, trong đó có mô hình Tổ chằm lá ở ấp 5A. Tổ chằm  lá ấp 5A đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay thu hút khá đông lao động nông thôn là phụ nữ. Tham gia vào tổ này, mỗi hộ được vay ưu đãi 5 triệu đồng để đầu tư mua nguyên liệu sản xuất, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ trưởng cho biết, nghề chầm lá tuy thu nhập không cao, nhưng là nghề dễ học, dễ làm không ràng buộc về thời gian, cứ rảnh là có thể làm được, chỉ cần tính cần cù siêng năng, rất phù hợp với chị em phụ nữ. Hiện nay nghề chằm lá đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên hàng trăm lao động nông thôn. Hoạt động ổn định của Tổ chằm lá ở ấp 5A đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm tại chỗ vào những lúc nông nhàn, giúp nhiều chị em có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo../.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh