THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Vai trò của phụ nữ trong việc giảm thiểu rủi ro thảm họa

 

Bé gái lớp 5 khuyên bố tránh bão

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Bà Hillary Clinton đã nói: “Phụ nữ có khả năng quyết định số phận của mình theo những cách mà các thế hệ trước không thể tưởng tượng được.” Quả thật vậy, phụ nữ và trẻ em gái với tiềm lực vô biên đều là bằng chứng sống về nguồn sức mạnh và năng lực nội tại. Nhưng nghịch lý là họ lại thường xuyên bị coi như phần “vô hình” của cộng đồng. Ở Việt Nam, phụ nữ có một vai trò then chốt. Không phải vì phụ nữ chiếm gần một nửa dân số mà thực tế cho thấy, phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong nền kinh tế nông thôn, đô thị và trong toàn xã hội. Với việc giảm rủi ro thảm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu, đã có rất nhiều tấm gương phụ nữ khiến bất kỳ ai cũng phải nể phục.

 

Các em học sinh trao đổi về các biện pháp phòng, tránh thiên tai.

 

Như em Kiều Lanh, học sinh lớp 5 trường tiểu học Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Với những kiến thức được tập huấn tại trường về  “Nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho cộng đồng”, em đã kiên quyết thuyết phục bố mình đi tránh bão để bảo toàn tính mạng. Sáng hôm ấy, Lanh đến trường như những ngày bình thường khác. Mới học 1 tiết cô giáo chủ nhiệm thông báo cho nghỉ học vì lý do bão số 6 sắp đổ bộ vào vùng biển tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Về đến nhà trong lo âu, Lanh nhớ lại lời thầy Duy đã nói trong buổi truyền thông về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai theo nhóm nhỏ trong trường. Lanh mường tượng đến những kiến thức về vùng an toàn, vùng đất nguy hiểm, khi bão đến phải làm gì và quyết định nói với bố: “Bão số 6 sắp đổ bộ vào vùng biển tỉnh ta, nhà mình phải chống nhà cửa rồi chuẩn bị sẵn tinh thần có gì đi lên nhà O Hằng ở đầu xóm sơ tán bố ạ”. Ông Cư – bố Lanh là một ngư dân lão làng vùng ven biển, ông vừa ngước nhìn trời rồi nói: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt, con nít biết gì mà nói. Trời này mà mưa gì?”. Lanh vẫn kiên trì thuyết phục:“Không đâu bố ơi! Đài đã báo bão ở 16,8 độ vĩ Bắc cách bờ biển tỉnh ta khảng 180km về phía Đông, tốc độ bão 10km/giờ như thế khoảng đêm nay sẽ đổ bộ về đây đấy bố ạ.” Bố Lanh vẫn kiên quyết: “Mẹ con bay sợ thì đi đi bố ở nhà coi đồ.” Lanh thấy vậy, liền cùng mẹ cất, đặt tất cả những thứ cần thiết vào bao nylon, kê cao buộc chặt như lời thầy dạy. Sau đó hai mẹ con Lanh cùng đến một ngôi nhà kiên cố để tránh bão. Đêm hôm ấy, mưa dữ dội, nước sông dâng cao, loa truyền thanh của thôn khẩn thiết yêu cầu những gia đình ven sông cần di dời, mau tìm nơi trú ngụ để bảo toàn tính mạng, bố Lanh cũng không ngoại lệ. Nhờ đã đề phòng từ trước đó, thiệt hại về người sau cơn bão là không đáng kể. Đêm ấy, sau những giây phút trằn trọc lo âu, cha con ông Cư thiếp đi trong giấc mơ yên bình. Và cũng kể từ đó, ông Cư đã tin tưởng vào những kiến thức con gái đã học được trong việc phòng chống thiên tai, giảm rủi ro thảm họa.

 

Hoàng Mai Trinh trong đợt tập huấn về biến đổi khí hậu ở miền Trung năm 2012.

 

Không chỉ có Kiều Lanh, còn rất nhiều câu chuyện khác về sức mạnh của phụ nữ đã truyền cảm hứng để mọi người cùng bắt tay vào hành động ngay vì các thế hệ tương lai. Ví như chuyện một người phụ nữ đã cống hiến tất cả thời gian và công sức của mình để hướng dẫn trẻ em dân tộc thiểu số biết cách tự bảo vệ mình tốt hơn; chuyện các em gái thể hiện những băn khoăn trước tương lai không chắc chắn một cách rất sáng tạo... Đó là những bằng chứng hùng hồn cho việc ghi nhận sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái khi ứng phó với thảm họa, biến đổi khí hậu.

 Mạnh mẽ trước nguy cơ biến đổi khí hậu

Theo các số liệu khoa học, Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 170 nước dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới. Đáng buồn hơn là Việt Nam cũng nằm trong số 16 nước “có nguy cơ cao nhất” do tỷ lệ nghèo đói cao, dân cư đông đúc, dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, phụ thuộc vào đất nông nghiệp dễ bị ngập lụt và hạn hán. Hơn nữa, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã xác định, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba trung tâm “có nguy cơ cao” trên thế giới về việc người dân bị mất chỗ ở do nước biển dâng lên. Đến năm 2050, sẽ có khoảng một triệu người có nguy cơ mất chỗ ở tại đồng bằng sông Cửu Long.

Và tại Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển khác, trẻ em và phụ nữ nằm trong số những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, dù họ là những người ít liên quan nhất đến những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Các loại nguy cơ về biến đổi khí hậu mà trẻ em và phụ nữ gặp phải rất đa dạng bao gồm: Những ảnh hưởng trực tiếp về mặt thể chất như lốc xoáy, bão tố và nhiệt độ tăng giảm đột ngột; những ảnh hưởng về giáo dục, căng thẳng tâm lý và khó khăn về dinh dưỡng.

 

Tỉnh Yên Bái là một trong những khu vực thực hiện thí điểm dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Đối mặt với hàng loạt nguy cơ trước mắt, em Hoàng Mai Trinh, 15 tuổi đã mạnh mẽ nêu ý kiến: “Thật là không công bằng! Là trẻ em, chúng em không liên quan gì tới việc trái đất nóng lên, mà chúng em được “thừa hưởng” điều này từ cha mẹ và ông bà.” Trinh cũng cho biết thêm :“Thanh thiếu niên là thế hệ tương lai. Chúng em được học hỏi những điều mới mẻ và bắt kịp xu hướng thời đại, chúng em hoàn toàn có thể đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết các vấn đề trong thời đại của chúng em. Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu thì ý kiến của thanh thiếu niên cũng cần được lắng nghe như ý kiến của người lớn!” Cô gái trẻ này là thành viên trong một nhóm gồm 6 thanh thiếu niên tuổi từ 13-17 được tập huấn về làm phim và tham gia vào các buổi thảo luận xoay quanh chủ đề biến đổi khí hậu tại một hội thảo tổ chức ở tỉnh ven biển Quảng Bình từ ngày 18 đến 20/5/2012. Đợt tập huấn kéo dài ba ngày do UNICEF hỗ trợ, phối hợp với Trung ương Đoàn và toàn bộ kinh phí do Đại sứ quán Na Uy  tài trợ. Như đã nói ở trên, khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục tăng lên thì phụ nữ và trẻ em gái là những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Chính vì thế, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã đề ra dự án: “Nâng cao năng lực thể chế về quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu- Giai đoạn 2”.

Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển hợp tác quốc tế Úc, Cơ quan liên hiệp quốc và đối tác là các Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, tổ chức Oxfam. Dự án được đề ra với mục tiêu:  Thứ nhất hỗ trợ Chính phủ xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề giới trong quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Thứ 2, hỗ trợ Chính phủ nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các ngành, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý rủi ro thiên tai, phòng, chống thiên tai các cấp. Và cuối cùng là vận động cơ quan làm công tác quản lý rủi ro thiên tai quan tâm, chú trọng tới vấn đề giới và huy động sự tham gia của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp vào công tác này.

Đây chính là một trong những biện pháp tích cực nhất để ghi nhận và tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong việc giảm rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, tiềm lực của phái nữ hòa chung với sức mạnh của cả cộng đồng sẽ đủ sức ứng phó với rủi ro, thảm họa không báo trước. 

Đinh Hoa (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh