THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:50

Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản vì phải làm những việc không được trả lương

Đây là chia sẻ của bà Lê Kim Dung,  Giám đốc quốc gia tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tại hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: MẠNH DŨNG.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: MẠNH DŨNG.

Lao động nữ cần được tăng cường tham gia thị trường lao động 

Báo cáo Thực trạng công việc chăm sóc không lương ở Việt Nam: Rào cản tham gia thị trường lao động do Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2022 cho thấy, gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ.

Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, phụ nữ hầu như là người chăm sóc chính trong nhà.

Phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành nhiều thời gian để làm những công việc không được trả lương.

Phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành nhiều thời gian để làm những công việc không được trả lương.

So với các nhóm công việc chăm sóc không lương khác nhau, phụ nữ đặc biệt chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới gánh trách nhiệm việc nhà thường nhật. Khoảng cách giới trong việc nhà thường nhật là 15,5 điểm phần trăm, chênh lệch giữa 93,2% phụ nữ so với 77,8% nam giới làm việc nhà. Trong khi đó, khoảng cách giới trong việc chăm sóc con cái chỉ là 6,2 điểm phần trăm (59,4% phụ nữ so với 53,2% nam giới).

Thời gian phụ nữ phải làm những việc không lương nhiều hơn nam giới

Giữa phụ nữ và nam giới có khoảng cách giới đáng kể trong thời gian dành cho công việc chăm sóc không lương. Mỗi tuần, thời gian phụ nữ dành để làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn 8,3 giờ so với nam giới. Khoảng cách giới lớn nhất được phát hiện trong thời gian làm việc nhà thường nhật, tiếp đến là thời gian chăm sóc trẻ em, trong khi khoảng cách nhỏ nhất là với các công việc chăm sóc sức khỏe thành viên gia đình.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của các hộ có con em dưới 6 tuổi còn hạn chế. Cứ 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trẻ dưới 6 tuổi thì chỉ 3 hộ cho biết, họ gửi trẻ đến các cơ sở trông trẻ, mặc dù độ sẵn có dịch vụ ở một tỷ lệ cao hơn đáng kể. Các dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật và giới thiệu việc làm cho phụ nữ còn yếu và thiếu. Gần 87% hộ dân tộc thiểu số cho biết, có trạm y tế công và 57% cho biết, có các dự án/công trình cấp nước sạch tại nhà ở khu vực họ sinh sống. Các dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cũng có tỷ lệ sử dụng thấp hơn nhiều so với mức độ sẵn có của dịch vụ…

Khảo sát thực trạng công việc chăm sóc không lương ở vùng dân tộc thiểu số Hà Giang và Lai Châu cho thấy, trung bình mỗi ngày một phụ nữ dân tộc thiểu số dành khoảng 5 giờ cho các công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới 2,1 giờ. Công việc chăm sóc không lương mất nhiều thời gian của phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là chăm sóc trẻ em, người già, người ốm, người khuyết tật (30,3% tổng thời gian) và các công việc chăm sóc gián tiếp như nấu nướng và dọn dẹp sau bữa ăn (19,1%), đi lấy củi (13,2%). Chỉ tính giá trị kinh tế của công việc chăm sóc không lương, trung bình một phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ…

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Kim Dung cho biết: “Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan”.

Để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và gánh nặng công việc chăm sóc không lương cho phụ nữ dân tộc thiểu số, các đại biểu đều cho rằng, cần thay thế các thiết bị gia dụng hỗ trợ công việc chăm sóc không lương, giúp giảm đáng kể thời gian và công sức của phụ nữ. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới; đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như: trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật, truyền thông thay đổi định kiến giới…

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh