Phụ nữ cô đơn dễ bị lừa tiền, lừa tình
- Dược liệu
- 13:09 - 19/08/2019
Ảnh minh họa
Lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống đã góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng. “Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý, nhiều trường hợp dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích thu lợi nhuận, thậm chí bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.
Tại Việt Nam, năm 2018, ước tính tội phạm mạng, tội mạng công nghệ cao gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, ước tính số tiền thiệt hại có thể lên đến gấp đôi, gấp ba. Trong đó, phần lớn các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở, sự thiếu cảnh giác của người dùng để gửi mã độc, chiếm tài khoản email, chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội, mật khẩu. Sau đó, các đối tượng sử dụng chính tài khoản này để lừa người thân, bạn bè chuyển tiền trên mạng.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, hiện loại tội phạm này có ở hầu hết các tỉnh, TP. Gần đây, CA quận Bắc Từ Liêm đã bắt 4 đối tượng sử dụng tài khoản facebook bị hack, tiến hành trên 30 vụ lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chiếm đoạt mỗi nạn nhân từ vài chục triệu đến khoảng 500 triệu đồng. Trước đó, tại Nghệ An, Cục An ninh mạng cũng đã phối hợp, bắt 13 đối tượng từng hack trên 500 tài khoản, chiếm đoạt 20 tỷ đồng…
“Mặc dù liên tục được cảnh báo về tội phạm mạng, các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn trở thành nạn nhân”, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cho biết. Đáng chú ý, rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ cô đơn rất dễ trở thành nạn nhân. “Nhiều trường hợp đối tượng đóng giả đại gia, người giàu có ở nước ngoài để làm quen, tiếp cận, tán tỉnh. Sau đó ngỏ ý tặng quà, hoặc tặng số tiền có giá trị lớn. Chúng chụp ảnh, biên lai gửi cho các chị em và nói rằng, để lấy số tiền, món quà này, phải trả phí, trong khi mức phí không hề nhỏ. Có những mức phí tới vài trăm triệu nhưng nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn bị lừa. Có người thậm chí chuyển tới đến 4 lần rồi mới biết mình bị lừa”.
Luật An ninh mạng – góp thêm công cụ bảo vệ người dùng
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng đã được thông qua với tỷ lệ 86,86% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp 2013.
Trong đó, để góp phần ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên mạng, điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã quy định các DN trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng. Đây là quy định cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn việc bán thông tin người dùng cho các DN cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ 3 mà chưa có sự đồng ý của người dùng.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được tiếp cận thông tin người dùng là khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Quy định này phù hợp với nội dung khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.
“Thông tin cá nhân là một trong những loại dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử, có tác dụng quan trọng trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tất cả các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới đều được quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, trong phạm vi pháp luật cho phép để thực hiện nhiệm vụ của mình, ngăn ngừa tội phạm pháp sinh. Hiện thống kê cho thấy, hàng năm chính phủ các nước đã yêu cầu facebook cung cấp thông tin về tài khoản người dùng liên quan đến các vụ việc pháp lý. Trong đó Mỹ và Ấn độ thường đứng trong top đầu danh sách với khoảng 30 nghìn lượt yêu cầu mỗi năm. Trong khi đó Việt Nam mới chỉ yêu cầu facebook cung cấp một vài vụ việc”, Thượng tá Thi cho biết.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng việc hiểu biết và thông tin chưa đầy đủ về Luật An ninh mạng của nhân dân, nhiều tổ chức phản động, số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tiến hành tuyên truyền, xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng với mục đích xấu. Trong đó, có nhiều thông tin tuyên truyền trên không gian mạng rằng, Luật An ninh mạng cho phép cơ quan chức năng tùy tiện yêu cầu DN cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư.
“Thông tin tuyên truyền nêu trên là không chính xác. Luật An ninh mạng đã quy định rõ ràng, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Các quy định trong Bộ luật TTHS và các văn bản có liên quan đã quy định rõ việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nhấn mạnh.
THANH HẢI