THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Phụ nữ - Đối tượng chịu nhiều rủi ro trước cuộc cách mạng 4.0

 

Lao động nữ ngành dệt may chịu nhiều rủi ro trong giai đoạn tự động hóa.

 

Lao động nữ dễ bị rủi ro khi doanh nghiệp cắt giảm lao động 

Cũng theo Kết quả nghiên cứu của ILO trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, có thể bị thay thế bằng các máy móc, tự động hóa; 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Trong đó, rủi ro cao thuộc các nhóm ngành nông, lâm, thủy sản (với 83,3% số việc làm có độ rủi ro cao); ngành công nghiệp chế biến (74,4%) và ngành bán lẻ (84,1%)...

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Hiện tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt trên 70%; tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở kinh doanh đạt 31,6%. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10% và là đối tượng dễ bị rủi ro, tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động…

Tại một hội thảo mới đây về lao động nữ di cư, ông Nguyễn Quang Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp  (Bộ LĐ- TB&XH) cho biết, theo một khảo sát, lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp đáng kể (4,8 triệu đồng/tháng) so với lao động qua đào tạo (6,1 triệu đồng/tháng). Nhìn chung, thu nhập của lao động di cư là thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Những người phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thời gian làm việc của họ thường kéo dài, hơn 9 giờ/ngày, có những trường hợp tới 12 - 14 giờ/ngày và trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức còn không được hưởng các chính sách bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Khoảng 70% lao động nữ di cư làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Chỉ khoảng 30% lao động nữ di cư được tham gia BHXH, 39% tham gia BHYT và 21% tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc. Chế độ đãi ngộ cũng rất hạn chế. Theo ông Việt, nếu tham gia BHXH tự nguyện, lao động nữ di cư cũng mới chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm dài hạn như lương hưu, trợ cấp tử tuất, mà không có chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - là những điều mà họ thực sự cần để ứng phó, giảm thiểu những rủi ro trong làm việc và đời sống.

Đào tạo kỹ năng cho lao động nữ để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ 

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách liên quan đến lao động nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và nhiều văn bản pháp luật khác. Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược quan trọng liên quan đến phụ nữ như: Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020; chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020.

Một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Các chương trình, đề án như: Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm, tham gia vào thị trường lao động, thoát nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế. Với những nỗ lực đó, đến nay, lao động nữ  chiếm 48,1% trong tổng số 54,8 triệu lao động. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72%. Khoảng cách về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.

Trước những thách thức mà lao động nữ đang gặp phải trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các  chuyên gia cho rằng, nếu không tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, lao động nữ lại càng dễ bị tổn thương hơn nữa. Giải pháp mà  các chuyên gia khuyến nghị  là phải liên tục đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, giúp họ nắm bắt được những kỹ năng mới, công nghệ mới để có thể thích ứng với những thay đổi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh