THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:36

Phụ huynh, thầy cô cùng đồng hành giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý

Thầy Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cách đây 20 năm, tâm lý học đường chưa được truyền thông nhiều như hiện nay. Thầy chia sẻ câu chuyện thực tế khi thầy dạy ở Yên Nghĩa (Hoài Đức, Hà Nội). Nơi đó, 20 năm trước đa số học sinh có bố mẹ làm nông nghiệp. Tuổi thơ gắn liền sự lam lũ, vất vả nên chưa được quan tâm nhiều. Có một học sinh của thầy Hảo vốn học rất tốt nhưng gia đình em không trọn vẹn. Bố luôn bạo hành mẹ và có người khác. Cậu bé rất thông minh, từ chỗ học tốt rơi vào trạng thái có suy nghĩ tiêu cực: Bỏ học, đánh nhau...

Phòng tham vấn học đường là nơi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ học sinh và phụ huynh.

Phòng tham vấn học đường là nơi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ học sinh và phụ huynh.

Thầy Hảo đã trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân và động viên em học tập, cần gì nhà trường giúp: “Nếu con không học thì rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn như gia đình con hiện nay” rồi trực tiếp gặp phụ huynh để trao đổi về tình hình của con và mong đồng hành cùng con. Một thời gian sau, hai bố mẹ em ly hôn, cậu bé lại rơi vào khủng hoảng, chán học. “Tôi đã gặp và động viên em: Có thể em hiện học chưa giỏi nhưng trước hết em hãy học để trở thành người tử tế. Nếu có khó khăn  cứ nói với thầy, thầy sẽ giúp em nhiều nhất có thể”. Sau đó, em ấy đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng tâm lý và trở thành người có ích, một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc.

Câu chuyện của thầy Hảo là một trong số rất nhiều câu chuyện mà các thầy cô vẫn ngày đêm âm thầm tư vấn, hỗ trợ các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng học đường.

Thầy Cầm Văn Sương, cán bộ quản lý dự án tổ chức Good Neighbors Vietnam cho biết, từ năm 2019 đến nay, Good Neighbors đã hỗ trợ thiết lập và duy trì vận hành thành công 4 Phòng Tư vấn học đường tại các trường THCS trên địa bàn Hà Nội với hơn 4.000 lượt tham vấn và hàng ngàn lượt học sinh tham gia các chương trình phòng ngừa. Bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các mạng lưới hỗ trợ xung quanh học sinh như cha mẹ, thầy cô giáo cũng được tập trung thông qua các chương trình tập huấn, các chương trình chia sẻ hàng tháng. Ngoài gia, Good Neighbors cũng tập trung xây dựng các tài liệu tham khảo về việc xây dựng và vận hàng mô hình phòng tham vấn. Thời gian tới, Good Neighbors tiếp tục phối hợp để mở thêm nhiều phòng tham vấn học đường tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Cũng theo thầy Hảo, hiện nhiều trường đang phải tổ chức dạy học online để phòng chống dịch bệnh. Vì thế, không tránh khỏi việc các em rơi vào cảm giác chán nản. Bởi các con đang trong độ tuổi hiếu động, thích giao lưu, vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Vì thế, các em rất mong muốn được đi chơi, đến trung tâm thương mại… để thay đổi không gian, xả stress.

Trong hoàn cảnh này, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện cùng con, cùng con xây dựng thời gian biểu hợp lý giữa học hành và giải trí trong điều kiện cho phép; hướng dẫn con nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… thỉnh thoảng cho con ra ngoài để thay đổi không gian.

Thầu Sương thông tin, các phòng tham vấn học đường luôn sẵn sàng tư vấn cho học sinh và phụ huynh khi gặp những vấn đề khó khăn cần tư vấn. Trong bối cảnh trường học chưa mở cửa, phụ huynh và học sinh có thể tham vấn bằng hình thức online hay gọi hotline của các phòng tham vấn. Các cô phụ trách phòng tham vấn luôn sẵn sàng lắng nghe, tư vấn cho phụ huynh và học sinh. Nếu cần thiết sẽ hướng dẫn, kết nối đến các chuyên gia, phòng tư vấn chuyên sâu. “Bố mẹ hãy nhớ, con cái chia sẻ với bố mẹ là điều rất đáng mừng. Bố mẹ hãy lắng nghe, chia sẻ và có những định hướng đúng đắn để đồng hành cùng con”, thầy Sương chia sẻ.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh