THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

"Đau đầu” vì con nghỉ Tết

Loay hoay chuyện trông con

Chị Nguyễn Thùy Dung (Khương Trung, Hà Nội) có 2 con đang học mầm non và tiểu học, cho biết: “Các con được nghỉ học ngày 14/2, trong khi vợ chồng tôi vẫn phải đi làm bù. Dịp này cuối năm khá bận rộn nên chưa chắc đã nhờ được ai trông dùm. Vợ chồng tôi cũng đang tính đến phương án chia nhau mỗi người mang một đứa lên cơ quan, chứ không thể để các cháu ở nhà được”.

Các bậc phụ huynh làm ở cơ quan, công sở đã vậy, nhiều phụ huynh làm nghề tự do, hay tại các doanh nghiệp, chuyện con nghỉ Tết đúng dịp bận bịu cũng là mối lo. Chị Trần Thu Hương (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) có con đang học mầm non than thở: “Chồng tôi dịp cuối năm rất bận, hay phải đi công tác xa. Tôi làm nghề kinh doanh buôn bán, dịp giáp Tết đúng vào “vụ” kinh doanh nên rất bận. Cũng nghĩ tới chuyện cho con về quê, nhưng dưới đó lắm muỗi, ao hồ chưa rào dậu nên không đành. Chắc phải cho con lên cửa hàng, hoặc tìm chỗ gửi”.

Chuyện cứ đến mỗi dịp giáp Tết, phụ huynh có con học mầm non lại lo lắng tìm nơi gửi con đã diễn ra từ nhiều năm nay. Một trong những lựa chọn phù hợp của các bậc phụ huynh là cho con đi học thêm, hoặc gửi con ở cơ sở tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu, một số trung tâm, trường mầm non tư thục đã mở dịch vụ nhận trông, giữ trẻ trong dịp Tết với mức phí khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ngày, cao hơn nhiều so với những ngày thường. Tuy nhiên, cũng rất ít nơi nhận trông trẻ đến ngày 28-29 Tết.

Lo con quên chuyện học, sa vào tệ nạn xã hội

Các bậc phụ huynh có con học tiểu học, THCS lại có một mối lo khác. Anh Đàm Đức Thuận (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 5 lo ngại: “Vợ chồng tôi làm ngành dịch vụ nên nghỉ Tết rất muộn, ra Tết cũng đi làm sớm. Chắc chắn là sẽ có nhiều hôm con phải ở nhà một mình. Trẻ con thường hiếu động nên tôi cũng rất lo”. Trong khi đó, với các bậc phụ huynh có có học THPT thì lại lo con dễ bị lôi kéo, sa ngã bởi trong dịp Tết hay phát sinh các tệ nạn xã hội.

Theo các chuyên gia giáo dục, Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, không nên gây áp lực nặng nề cho các em. Học sinh luôn mong muốn được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn. Dịp này, phụ huynh cũng cần quan tâm hơn tới con cái. Giữ nếp học tập cho học sinh bằng cách hàng ngày nhắc các em ngồi vào bàn tự học khoảng 30 phút vào buổi sáng hoặc chiều vào các ngày nghỉ Tết. Có thể tăng cường thời gian học vào một, hai ngày cuối để giúp các em thích nghi nhanh hơn khi đi học trở lại.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội, dịp nghỉ Tết, phụ huynh không nên ép các con học nhiều, mà nên duy trì nề nếp học tập nhẹ nhàng. Phụ huynh hãy tạo cho các con một kỳ nghỉ bổ ích như đi tham quan, tham gia các hoạt động có ý nghĩa. Phụ huynh cũng đừng ngại khi để con tham gia vào các hoạt động Tết như: dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, sắp xếp mâm ngũ quả… Những ngày Tết đưa các em đến thăm họ hàng, về quê, để các em tiếp cận những giá trị truyền thống.

Đối với lứa tuổi học sinh THPT, theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Trong các ngày nghỉ Tết, nhà trường không quản lý học sinh nên vai trò của gia đình rất quan trọng. Gia đình cũng cần đưa ra “nội quy” để các em thực hiện. Các bậc phụ huynh đặc biệt lưu ý, thời điểm Tết không nên giao tiền, giao xe cho các em để tránh việc đáng tiếc xảy ra. Quan sát để ngăn ngừa con không chơi với bạn xấu, gia đình cũng đừng ngần ngại mà cần phối hợp với giáo viên, nhà trường để khuyên ngăn các em, phòng ngừa những cái xấu ảnh hưởng tới con em mình”.

UBND Tp Hà Nội đã đồng ý với kế hoạch nghỉ Tết Ất Mùi của Sở GD&ĐT. Theo đó, học sinh từ cấp mầm non cho đến THPT thuộc các cơ sở giáo dục Thủ đô được nghỉ Tết 10 ngày từ ngày 14/2 - 23/2 (tức từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày mồng 5 Tết).

Tại Tp Hồ Chí Minh, theo quyết định ban hành kế hoạch năm học 2014 - 2015 của UBND Tp, học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT bắt đầu nghỉ từ ngày 13/2 (tức ngày 25 tháng Chạp) đến hết ngày 23/2 (tức ngày mồng 5 Tết). 

Theo Gia đình Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh