CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

NSƯT hay NSND để làm gì, nếu ra đường khán giả không biết là ai

 

- Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, quen thuộc với khán giả trong nhiều dạng vai. Anh nghĩ sao khi bạn bè cùng lứa đều được phong NSƯT, thậm chí là NSND, còn mình thì chưa?

- Tôi chưa khi nào suy nghĩ quá nặng nề về chuyện đạt thành tích này, danh hiệu kia. Trong quan niệm của tôi, bản thân từ "danh hiệu NSƯT" là một khái niệm không hoàn toàn đúng. NSƯT chỉ là phần "hiệu" thôi, còn "danh" chính là tên gọi trong giấy khai sinh của ai đó.

Về phần "hiệu", có thể tôi không có gì, nhưng về "danh", tôi tự hào vì mình cũng có chút đỉnh. Khi tôi ra đường, trong số 20 khán giả nhận ra tôi là diễn viên, ít nhất có một nửa trong số đó nhớ được tôi tên Phú Đôn hoặc tên vai diễn của tôi. NSƯT hay NSND để làm gì nếu ra đường khán giả không biết mình là ai.

Phú Đôn (phải) trong phim "C13 đón Tết".

 Nhiều khi danh hiệu và giải thưởng là động lực để nghệ sĩ phấn đấu hoàn thiện mình. Anh thì sao?

- Thực ra, tôi từng có 4 huy chương bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cùng vài giải thưởng sân khấu, phim ảnh khác. Nếu gom lại cũng đủ tiêu chuẩn xét tặng NSƯT.

Nhưng tôi chưa khi nào làm hồ sơ, bởi theo đúng quy định xét tặng phải có từ 2 huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp trở lên. Bởi vậy khi nào đủ 2 huy chương vàng thì tôi trình hồ sơ chứ không làm theo kiểu cộng gộp 4 huy chương bạc thành 2 huy chương vàng như một số người. Tôi không muốn biến mình thành con rối trong cuộc chạy đua danh hiệu hay giải thưởng.

Trong nghệ thuật, tôi không nhìn lại phía sau cũng không nhìn quá xa về phía trước. Nhận vai diễn nào tôi hoàn thành thật tốt vai diễn đó, thoát vai là tôi quên. Tôi cũng không khi nào ngồi suy nghĩ sắp tới mình phải chọn vai thế nào để đóng. Con người cứ khao khát leo lên đỉnh vinh quang còn tôi cho rằng, khi leo đến đỉnh, nghệ sĩ cũng chỉ đạt đến giới hạn của sự sáng tạo, sau đó sẽ chẳng còn gì mới, chẳng còn gì hấp dẫn với chính bản thân và khán giả. 

Mỗi khi được mời một vai diễn trên phim, tôi thường hỏi bộ phận casting rằng ngoài tôi ra, có ai đảm nhận được vai đó nữa không. Nếu họ nói có tôi sẽ bảo để vai đó cho người khác. Tôi chỉ nhận đi phim với những vai mà đạo diễn chỉ định hoặc vai không thể có ai thay thế. 

- Nhiều diễn viên sân khấu tâm sự đồng lương eo hẹp, khiến họ chỉ mong có vai diễn truyền hình để thêm thu nhập. Vì sao anh lại kén vai như vậy?

- Chuyện diễn viên sân khấu than thở đời sống khó khăn tôi nghe nhiều năm nay và không đồng tình với quan điểm đó. Không chỉ sân khấu mà bất cứ ngành nào cũng gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây. Tôi cho rằng nếu có tài, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng có thể tìm cách xoay sở để vẫn sống được và diễn được.

Nếu diễn viên sân khấu có tài thực sự, họ sẽ được đạo diễn phim, đạo diễn chương trình truyền hình chú ý và mời tham gia. Vì vậy, tôi không thích ai đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhất là đổ lỗi cho khán giả. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là tạo ra những tác phẩm hay đến mức khán giả phải kéo nhau đến rạp mà bỏ qua mọi vẻ quyến rũ của những sản phẩm giải trí khác.

Phú Đôn trong đời thường.

Bản thân tôi từng có thời gian chạy show rất dữ. Thời gian đó tôi kiếm được khá nhiều tiền, nhưng đến khi sống chậm lại để lựa chọn vai diễn, tôi nghiệm ra tiền không phải là tất cả. Nếu tôi cứ liên tục nhận vai mà không chọn lọc, khán giả rồi sẽ nhàm chán mỗi khi thấy tôi xuất hiện. Tôi vốn không có lợi thế về ngoại hình, vì vậy khả năng diễn xuất cộng với cá tính độc đáo của nhân vật mới chính là yếu tố để tôi biến điểm yếu ngoại hình thành điểm mạnh.

- Một số diễn viên tận dụng những nhược điểm hình thể để chọc cười khán giả. Anh nghĩ sao?

- Tôi không bao giờ giả gái, đeo răng vẩu, làm động tác khoèo tay hay thọt chân để gây cười. Bản thân tôi chưa khi nào nhận mình là diễn viên hài. Có nhiều khi tôi đóng những vai mà khán giả cười rần rần để rồi bị ghim vào ấn tượng của họ rằng tôi là một diễn viên hài. Thực ra, trong tình huống đó, hành động, ngôn ngữ của nhân vật làm bật lên yếu tố hài hước khiến khán giả cười chứ tôi không chủ ý diễn hài. Tôi cho rằng, muốn diễn được hài phải đầu tư làm sao khán giả cười xong vẫn thấy thấm thía với thông điệp truyền tải.

Nghệ sĩ Phú Đôn và người vợ kém anh 25 tuổi.

- Tự nhận không có lợi thế về ngoại hình, vậy điều gì thúc đẩy anh làm việc trong môi trường cần cả yếu tố tài năng và thanh sắc?

- Ngay khi còn nhỏ, tôi đã theo bố là nghệ sĩ Lại Phú Cương lên sàn tập. Tôi diễn xuất trên sân khấu từ khi mới 5 tuổi nên đam mê diễn xuất ngấm vào người từ thuở bé. Lớn hơn một chút tôi nhận ra mình không có lợi thế về ngoại hình, nhưng vẫn quyết tâm đeo đuổi nghiệp diễn nhờ học theo tấm gương của nhiều bậc tiền bối. NSND Đào Mộng Long, hay chú Văn Hiệp cũng là người không có lợi thế về ngoại hình, nhưng thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực sân khấu của họ thì ai cũng biết. Tôi không kỳ vọng mình tài năng như họ nhưng coi đó là động lực để mình dấn thân vào nghiệp diễn.

Theo Châu Mỹ /VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh