CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:41

Phóng viên trực tết: Hy sinh niềm vui riêng để phụng sự bạn đọc

 

Trực tết dù vất vả thế nào nhưng nhiều phóng viên, nhà báo vẫn xung phong để nhận nhiệm vụ. Bởi với họ, sự đam mê, nhiệt huyết với nghề báo luôn là động lực để họ cống hiến cho độc giả những thông tin hữu ích nhất vào bất cứ thời điểm nào. Ảnh minh họa

 

Trong thời khắc giao thừa hay ngày đầu năm phơi phới sắc xuân, thay vì ngắm pháo hoa, đi chúc tết người thân, ăn những bữa cơm đoàn viên ngày đầu năm mới, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải chung thủy với “người tình mặt vuông”, lang thang trên phố để phục vụ bạn đọc những bản tin nóng bỏng, đầy ắp tính thời sự về không khí tết, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự, giá cả thị trường, các lễ hội xuân…
Giống như tất cả mọi người, trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, đặc biệt trong thời khắc giao thừa, các phóng viên, nhà báo cũng đều mong muốn sum vầy đầm ấm bên gia đình. Tuy nhiên, do nhiệm vụ công việc, niềm đam mê với nghề báo, họ luôn lấy việc truyền tải thông tin trong dịp Tết đến với bạn đọc trên cả nước, để mọi người vui xuân trọn vẹn với họ là niềm vui, xua tan đi những tâm trạng khi trực tết.
Vắng mặt bữa cơm đầu năm bởi những lý do đặc biệt
Là một phóng viên chuyên theo dõi mảng thời sự, với phóng viên Trần Vương, Báo Lao Động việc trực tết không còn xa lạ. Nhân tết Nguyên đán Kỷ Hợi, phóng viên Trần Vương đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi tác nghiệp trong thời khắc thiêng liêng này.
Phóng viên Trần Vương cho biết, với những người làm báo, việc trực tin bài và sản xuất vào những ngày đặc biệt là điều khó tránh khỏi bởi đặc thù nghề nghiệp. Khi phần đông người bước vào các kỳ nghỉ lễ, các ngày nghỉ, tập trung vui chơi, đông người thì lúc đó, các phóng viên lại thường là những người phải trực, sản xuất tin bài phục vụ bạn đọc.
 
Ngày mùng 1, mọi người sum họp đoàn viên thì phóng viên Trần Vương xách máy ra đường.
 
“Nói là trực nhưng tôi nghĩ đó cũng không phải là gì to tát, nó chỉ là một công việc bình thường với những người làm báo, điều đặc biệt ở đây là việc này chúng ta thực hiện vào ngày nghỉ. Thông thường, với kỳ nghỉ lễ dài như kỳ nghỉ Tết âm lịch hay Tết dương lịch thì các phóng viên đều phải thay nhau trực tin, bài và sản xuất tin bài vào ngày trực đó. Là một phóng viên theo dõi các tin tức thời sự, dĩ nhiên chúng tôi cũng không ngoại lệ”, phóng viên Trần Vương cho biết.
Chia sẻ về kỷ niệm trực tết, phóng viên Trần Vương đã kể lại một kỷ niệm rất thú vị nhưng cũng đầy sâu lắng mà nhiều người làm báo đều phải trải qua trong khi trực tết ngày đầu năm tết 2018.
“Tôi còn nhớ, Tết năm 2018, xuân Mậu Tuất, tôi nhận lịch trực Tết vào ngày mùng 1 đầu năm. Trong không khí phơi phới sắc xuân, những người thực hiện nhiệm vụ sản xuất tin bài cũng nhanh chóng vào công việc. Ngày đầu năm, mặt mũi ai nấy cũng tươi cười, phấn khởi, chúc nhau những lời tốt đẹp ước vọng cho năm mới hanh thông. Từ sáng sớm, tôi đã ra khỏi nhà cầm theo balo. Thấy thế, bố tôi không quên dặn: “Trưa nay đại gia đình sum họp ở nhà bà. Nhớ lịch nhé con”. Tôi trả lời “vâng ạ, con sẽ đến sau một chút” rồi nhanh chóng lên xe đi làm.
 
Phóng viên Trần Vương - Báo Lao động.
 
Giờ trưa tới, khi mọi người đã tập trung đông đủ nhưng vẫn chưa thấy tôi đâu, anh họ tôi mới mở điện thoại ra xem thì mới thấy bài của tôi được đăng báo. Điều bất ngờ hơn với mọi người là hình ảnh của quê hương trong ngày đầu năm lại xuất hiện. Lúc đó mọi người trong nhà mới biết là tôi đang phải trực tin, bài vào ngày đầu năm. Vậy đó, ngày Tết, lý do vắng mặt trong bữa cơm gia đình và câu trả lời được mọi người theo dõi qua tin tức trên trang báo. Được mọi người theo dõi, biết và chia sẻ công việc của mình cũng làm chúng tôi thấy rất ấm lòng”, phóng viên Trần Vương nhớ lại.
Thời khắc giao thừa vẫn “chung thủy với người tình mặt vuông”
Với trọng trách là một thư ký tòa soạn một tờ báo điện tử, trực Tết hầu như đã là chuyện "thường ngày ở huyện" với nhà báo Trịnh Lê Nam.
Theo nhà báo Trịnh Lê Nam chia sẻ, là thư ký tòa soạn lại là đàn ông nên so với cánh phụ nữ, anh thường xuyên lãnh trách nhiệm trực những ngày đặc biệt nhất của dịp Tết - 30 và mùng 1 Tết.
“Dẫu vậy, năm nào cũng thế, trực Tết luôn đem lại cảm giác khó tả”, nhà báo Trịnh Lê Nam nói.
Nhà báo Trịnh Lê Nam tậm sự, dù năm nào cũng phải 2 ngày trực tết. Tuy nhiên, thật khó để mà thích nghi và coi là bình thường với ngày 30 Tết.
 
Nhà báo Trịnh Lê Nam.
 
“Trong khi vợ tôi hay cha mẹ tôi tất bật làm cỗ thì mình ôm máy tính ngồi lách cách lách cách. Rồi thì đêm 30, giữa lúc tiếng pháo hoa rền vang, nhà nhà chúc tụng thì mình đang tăng tốc lực xuất bản tin bài giao thừa. Nghĩ thật nao lòng, nhưng biết làm sao được, mình làm cái nghề đòi hỏi sự hi sinh không thua gì... bộ đội thì mình phải chịu thôi.
Đó là chưa kể việc anh chị em sang nhà chơi mùng 1, không khỏi ái ngại cảnh nhanh nhanh uống chén rượu còn vào ngồi trực tiếp. Khó tả lắm!
Tuy nhiên, việc báo truyền tải được những thông tin mang tính thời sự trong thời khắc thiêng liêng luôn là niềm vui của những người làm báo”, nhà báo Nam nghĩ đến thời điểm trực tết với những tâm trạng buồn vui khó tả.
Phóng viên Mạnh Hưng hiện đang công tác tại một tờ báo điện tử khi nói về trực tết cho biết, là một phóng viên mảng thời sự vào các dịp lễ Tết phải trực tin, bài. Đó vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm vui của các phóng viên.
“Ban đầu trực tết tôi cũng hơi buồn nhưng lần 2, 3 thành quen đi. Sau đó tự bản thân hiểu rằng vai trò của những phóng viên trực ngày Tết rất quan trọng, thể hiện ở việc vừa là đầu nối cập nhật thông tin thời sự, tình hình an ninh xã hội đến với bạn đọc, tạo tính thời sự của tờ báo không bị mất đi. Để phục vụ truyền tải thông tin liên tục đến cho độc giả nắm bắt kịp thời”, phóng viên Mạnh Hưng nói.
 
Phóng viên Mạnh Hưng.
 
Phóng viên Mạnh Hưng cũng chia sẻ những khó khắc khi trực tế: “Tuy nhiên việc phải trực Tết vẫn gặp phải cũng không ít khó khăn, do thời điểm đó hầu hết nhân sự đều được nghỉ theo chế độ của tòa soạn và rất ít nhân sự tham gia hỗ trợ trực tin bài. Trong trường hợp tin bài nhiều ồ ạt, người trực không kịp xử lý, do đó sẽ lên sau báo khác rất nhiều, giảm đi tính thời sự thông tin”.
Nói về ước nguyện trong năm mới 2019, các phóng viên nói chung và những phóng viên trực tết đều mong muốn việc được truyền tải những thông tin vui về một năm mới nhiều hạnh phúc, mọi người mọi nhà.
Phóng viên Bùi Văn Đại – Chuyên trang Phapluatplus – Báo Pháp luật Việt Nam cảm thấy ấm lòng khi thấy thời khắc giao thừa nhà nhà sum họp, đoàn viên với những tiếng cười rộn rã. Anh mong muốn năm mới 2019 sẽ không còn những vụ tai nạn thương tâm, không còn những vụ giết người, không còn tệ nạn cướp bóc và những người dân được sống trong yên bình, ấm no, hạnh phúc.
Phóng viên Lê Tân, báo Thanh Niên mong muốn một năm sẽ chỉ còn những thông tin vui về kinh tế xã hội của đất nước, nhà nhà no ấm. Bởi xã hội yên bình, mọi người hạnh phúc thì cũng là niềm hạnh phúc với những người làm báo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh